Mỗi đêm một câu chuyện kinh dị Chương 12a
Chương trước: Chương 11
12. ĐÊM THỨ MƯỜI HAI
Giếng trừ bệnh
Trường Lạc lại ốm. Giống như những lần trước, chẳng có lý do gì cũng ốm, ốm đến rất nhanh làm cho chẳng ai kịp chú ý. Người thì bảo mời thầy thuốc, người thì bảo cúng bái, lại có người bảo thôi cứ theo đông y, hoặc lên trạm xá huyện tiêm vài mũi là khỏi. Cả nhà cứ lọan hết lên. Cũng chẳng trách, nhà Trường Lạc sống ba đời ở đó, mà Trường Lạc lại là người giữ hương hỏa cho cả gia tộc nên quan trọng nhất nhà. Tuy vậy, Trường Lạc không được khỏe mạnh, ốm đau quặt quẹo suốt, cứ được vài ba ngày lại lăn đùng ra ốm, mà toàn là những căn bệnh chẳng hiểu nguyên do gì. Giống như bệnh kiết lị năm ngoái cũng thế, chẳng hiểu tại sao lại bị. Lúc đó Lạc đang ở nhà, toàn ăn đồ của gia đình nấu nướng cẩn thận.
Theo lời bà nội thì đừng nói đến gián chuột, ngay cả một hạt bụi cũng không lọt được đến đồ ăn của Lạc. Tất nhiên, nói như vậy có vẻ phóng đại quá, nhưng những căn bệnh đại loại như vậy luôn khiến cho người nhà Lạc mệt mỏi.
Lần này toàn thân cậu run rẩy, đôi môi trắng nhợt, lúc thì kêu nóng, lúc lại kêu lạnh như đang bị sốt rét. Cậu ở nhà thì làm sao mà bị sốt rét được? Mọi người thấy vô cùng khó hiểu.
“Tôi nghe thấy thằng Bốn nhà ông Lưu ở góc đằng đông mấy hôm trước cũng bị sốt rét thì phải. Hay là con ông ta đã lây sang Lạc nhà mình?” Bố cậu vỗ đùi đen đét, lớn tiếng nói, như thể cậu Bốn nhà ông Tư đã làm một việc gì đó xấu xa, bị ông ta bắt được.
“Làm gì có chuyện đó, thằng Bốn nhà ông Tư bị ốm có ra khỏi nhà một bước đâu. Hơn nữa, nó có gặp thằng cu Lạc nhà mình bao giờ đâu mà đòi truyền bệnh sang? Đúng là ngu như lợn, chỉ ăn nói lung tung!” Ông nội tay chống chiếc gậy bằng gỗ trắc, tức run người nói. “Làm thế nào bây giờ? Bệnh này không ổn. Hình như Lạc nhà mình bắt đầu nói nhảm rồi.” Mẹ cậu đứng bên chồng, tay gạt nước mắt còn miệng thì lẩm bẩm liên hồi.
Trong giây lát, cả nhà chẳng ai nói với ai câu nào. Bác sĩ được mời đến khám cũng kê vài loại thuốc, nhưng uống vào không thấy đỡ. Cơ thể Lạc nóng như một thanh sắt đỏ bị nung nóng, mọi cách giảm sốt đã được dùng hết nhưng đều không hiệu quả. Ông nội không kiên nhẫn được nữa.
“Nhanh đi tìm lão Mã mù cho ta!”
Mọi người nghe xong như bị sấm đánh bên tai, ai cũng run lên bần bật. Mọi người đứng nguyên chỗ cũ, không biết phải làm thế nào cứ nhìn ông nội Lạc chằm chằm.
“Còn đần người ra đấy làm gì? Ta biết thừa lão Mã mù chẳng tốt đẹp gì, nhưng không tìm lão ta thì làm thế nào? Ta sợ Lạc không chống chọi nổi mấy ngày nữa. Phải nghe lời ta, mang tiền và rượu gạo ngon đưa cho lão. Nhớ là phải mang theo tiền mặt đấy. Mắt lão bây giờ chỉ nhìn thấy tiền thôi chứ có nhìn thấy cái chết tiệt gì đâu!” Ông nội nói nhanh, nói xong ho liên hồi, khớp xương toàn thân cứ rung lên răng rắc như sắp bung ra. Bố Lạc chỉ “dạ” một câu như thái giám nhận thánh chỉ. Ông nhận ít tiền mẹ Lạc đưa cho rồi chạy nhanh đến nhà lão Mã mù.
Lão Mã mù là người nổi tiếng trong làng.
Bạn có thể chửi lão, đánh lão, nhưng chắc chắn sẽ phải tìm đến lão để nhờ vả.
Lão Mã mù là người mà mọi người trong thôn không muốn gặp mặt nhất, nhưng không ai có thể tách rời khỏi lão. Lão Mã mù người lùn một mẩu, chân tay đều như bị ai ăn cắp mất một đoạn vậy, trong giống như một hình nộm đất bị nặn dở dang do thiếu nguyên liệu. Người lão đã lùn lại còn béo, cộng thêm cái đầu hói lông lốc trông như là không có cổ. Lão Mã mù nghiện rượu. Năm ấy lính Nhật vào làng, toàn dân trong làng đều bị lính Nhật bắt đi đắp thành lũy, vận chuyển lương thực, còn lão thì vì hình dạng như vậy nên được miễn. Không có rượu uống nên mình mẩy khó chịu, lão đã cả gan trộm rượu của người Nhật để uống. Uống xong còn chê rượu Nhật khó uống, kết quả bị người Nhật bắt được. Cũng may, người phiên dịch là anh em họ của lão nên lão được cứu.
Người làng đã cứu lão ra bằng cách đền khá nhiều tiền và rất nhiều rượu nữ nhi hồng. Đến lúc đó người Nhật mới thả lão Mã mù ra.
Được tha nhưng lão bị roi da đánh cho mù một bên mắt, bên còn lại chỉ nhìn được lờ mờ. Cũng từ ấy lão có biệt danh lão Mã mù. Sau này lão trở thành người nhàn hạ nhất trong làng, suốt ngày chạy đông chạy tây lêu lổng, nhưng ai cũng nuôi lão, cho lão ăn như thể lão là thần thánh vậy. Nguyên nhân thì chỉ có người trong làng mới biết.
Đó là vì lão Mã mù có một tài năng do tổ tiên truyền lại: tài chữa bệnh. Đây cũng chính là nguyên nhân khi bọn Nhật định chôn sống lão thì dân trong làng ra sức bảo vệ lão.
Thực ra, lão Mã mù đến giờ cũng không phân biệt nổi các vị thuốc, nhưng lão lại biết chữa bệnh. Nói cho đúng là bệnh đến tay lão là bị triệt tận gốc. Tuy bị mọi người ghét nhưng vì có tuyệt kỹ này nên lão trở thành “con cóc quý” của cả làng. Hình dung kiểu này không được sát cho lắm, nói đúng hơn, lão là cái bô của cả làng.
Đúng thế, khi bạn cần lão thì lão trở nên vô cùng quý giá, nhưng khi xong việc rồi thì bạn chỉ muốn đá quách lão đi cho rảnh nợ. Nếu không quan sát kỹ, bạn sẽ không tài nào tìm được ngũ quan trên khuôn mặt lão. Nhất là đôi mắt ti hí lúc nào cũng híp tịt, chỉ trừ lúc nhìn thấy gái đẹp, rượu Thiệu Hưng ngon hoặc đếm tiền thì mới mở to ra một chút, nhưng cũng chỉ là từ hạt đỗ xanh đến hạt đậu nành thôi. Đôi môi mỏng dính của lão lúc nào cũng như phết một lớp mỡ bóng nhẫy. Trong ánh nắng rực rỡ, muốn nói chuyện với lão, bạn phải đứng cách hơn một mét, nếu không, mùi rượu nồng nặc trộn lẫn mùi tỏi tráng trứng khê nồng lão thích ăn sẽ khiến chúng ta chết ngất.
Bố Lạc vội vã lao đến nhà lão Mã mù. Không ngờ căn nhà rách nát gió to thì đổ cửa, mưa to thì dột lại được khóa bởi cái khóa bằng đồng sáng lấp lánh. Bố Lạc lo lắng đến độ chỉ muốn nhảy qua cửa, bàn chân đi đôi giày vải đen mũi tròn cứ giẫm thình thịch trên nền đất sét vàng ệch. Miệng ông lầm bầm chửi rủa tổ tiên, bố mẹ lão Mã mù. Chửi thì chửi, nhưng việc làm thì vẫn phải làm. Sau khi bình tĩnh lại, bố Lạc ngẫm nghĩ, nếu lão Mã mù không ngủ ở nhà thì nhất định đang uống rượu nhắm với đầu lợn ở cửa hàng rượu nhà người đàn bà góa Lưu phía tây làng.
Chị Lưu góa chồng năm ba lăm, ba sáu tuổi gì đó. Năm ấy chồng chị bị Quốc dân đảng bắt đi làm lính rồi chết vì pháo lạc. Hồi ấy đánh trận ở Liêu Ninh, chồng chị có biết đánh trận là gì đâu, nên vào trận thì hoảng sợ, ôm súng bỏ chạy nên bất ngờ bị pháo bắn trúng, xương thịt nát cả. Biết tin, chị Lưu khóc ròng hai tiếng liền và chạy thục mạng tới chỗ ấy, nhưng cũng chỉ tìm được hai mảnh xương đen sì còn sót lại trên thi thể chồng. Chị đã đào huyệt chôn xuống thành một nấm mồ thờ chồng. Mỗi năm vào dịp tết Thanh minh, Vu lan… chị đều đến đốt tiền vàng cho chồng. Chị Lưu sống với cậu con trai mới lên mấy tuổi, trong làng toàn gọi là mẹ góa con côi. Tính chị hiền lành, người làng thương cảnh ngộ của hai mẹ con đã góp tiền giúp chị mở cửa hàng rượu nho nhỏ, nhưng không ngờ chị lại phải lòng lão Mã mù.
Nghe nói lão Mã mù đã giúp chị chữa tiệt căn bệnh tim, gan nan y của cậu con trai. Chẳng hiểu vì sao từ khi sinh ra, con chị Lưu người lúc nào cũng mềm oặt, không động chân động tay được. Chị đã chạy chữa nhiều thầy thuốc nhưng không có tác dụng. Sau này, nhờ vào tài chữa bệnh của lão Mã mù mà cậu bé đã đứng dậy được, giờ lại chạy nhảy được, chạy còn nhanh hơn cả con chó mực hung dữ nhất làng. Việc này càng làm cho câu chuyện về lão Mã mù thêm phần ly kỳ, khiến cho các danh y tài ba quanh vùng cũng phải thán phục.
Bố Lạc vội vã chạy đến cửa hàng nhà chị góa Lưu. Quả nhiên, lão đang ngồi chình ình trên chiếc ghế băng ở đó. Tay trái lão ôm vò rượu nữ nhi hồng, tay phải cầm cái đầu lợn lên gặm rất thích thú. Chị góa Lưu một tay xoa xoa chiếc bụng lùm lùm, tay còn lại thì hấp đầu rượu cho lão uống. Thỉnh thoảng chị lại giơ tay lên bịt mũi như thể cái mùi đầu lợn rất kinh.
“Lão Mã mù ơi, lão ăn no chưa, uống say chưa?” Bố Lạc hét toáng lên trước lão Mã mù. Hình như lão vẫn chưa nghe thấy thì phải, đến mấy phút sau lão mới quay đầu lại, giương đôi mắt ti hí lên nhìn ông, tay lau cái miệng bóng nhẫy.
“Ôi dào, tưởng ai, hóa ra là cậu cả nhà Lý.”
“Lão Mã mù, đừng nói nhiều nữa! Đây là rượu nữ nhi hồng để ba mươi năm rồi, cho lão đấy.” Bố Lạc nhanh chóng đặt phịch mấy vò rượu nữ nhi hồng ở trong tay xuống bàn. Lão Mã mù sung sướng mở nắp vò rượu ra, ôi mùi rượu thơm ngào ngạt khắp cửa hàng. Đôi mắt lão bỗng dướn lên to hẳn, chiếc mũi như mũi lợn cứ hít hà mãi rồi vội vàng đổ chỗ rượu thừa trong bát đi. Lão cứ luôn miệng gọi bố cu Lạc vào rót rượu. Loại rượu này trong thật, màu vàng trong suốt như màu hổ phách, rót ra bát chẳng khác nào đường mạch nha, thuần khiết vô cùng. Lão Mã mù nâng bát lên nhấp một hớp, quả nhiên là ngọt, chua, cay, mặn… đều có cả. Lão Mã mù luôn miệng khen ngon rồi quay sang nói chuyện vui vẻ với bố cu Lạc.
“Này cậu cả nhà họ Lý, đúng là cả làng này chỉ có mỗi nhà cậu mới có được loại rượu nữ nhi hồng hảo hạng như vậy. Chẳng đời nào anh cho không lão số rượu này đúng không? Có việc gì cần giúp hử?”
“Lão Mã mù tinh thật đấy, đầu óc lão đâu chỉ chứa rượu và thịt nhỉ!” Bố Lạc cười nói. Chị góa Lưu đang ở trong bếp cũng bật cười hòa theo.
“Hừ, lão thì có gì cho đâu. Anh tìm lão chẳng qua là vì cậu con quý tử của mình chứ gì. Cái hũ thuốc ấy à, tôi khuyên cậu tranh thủ về lấy vợ bé mà làm thêm cậu nữa đi.” Lão Mã mù cúi đầu nói, giọng buồn bực.
“Dở hơi, xã hội mới này lại còn thê thiếp gì nữa. Lão biết rồi đấy, họ Lý nhà tôi ai chẳng ủng hộ chính sách của Đảng. Đánh giặc cũng đi đầu, đánh Nhật cũng tham gia vận chuyển lương thực, lại còn vận chuyển thuốc cho quân giải phóng ở Từ Châu nữa. Ở cái làng này có ai không biết họ Lý nhà tôi còn được danh là Anh hùng lao động! Lần này tôi đến nhờ lão tới nhà chữa bệnh cho cậu con trai. Mà này lão Mã mù, rượu lão uống rồi đấy, không đi là không xong đâu. Chữa khỏi còn được nhà tôi biếu tiền và vài cân thịt lạp sườn nữa nhé.” Bố cu Lạc nói, nước bọt bắn tứ tung.
“Sợ anh rồi, đi cùng anh là được chứ gì. Nhưng trước khi đi tôi phải ra hẹn ba điều. Một là trong khi chữa bệnh chỉ có tôi và con trai anh, bất cứ ai cũng không được nhìn trộm; hai là, tôi chỉ chữa một lần này thôi, lần sau tôi không giúp nữa đâu. Sau này phải dựa vào số phận của con anh thôi. Thứ ba, xong việc rồi cấm được chày bửa, nếu không tôi cứ ăn vạ trong sân nhà anh, chết cũng không đi đâu.” Lão Mã mù nói, nước bọt bắn ra tứ phía khiến cho bố cu Lạc vội lùi đến vài bước.
“Biết rồi, biết rồi. Đừng nói ba điều chứ ba mươi điều, hay ba trăm điều cũng nghe lão hết. Lão đi nhanh lên, con trai tôi ốm nặng lắm rồi. Không nhanh thì hương hỏa ba đời nhà Lý chúng tôi chắc đi mất.” Bố cu Lạc giục vội khiến lão Mã mù đành phải buông bát rượu xuống, đi đến nhà họ Lý.
Vừa bước vào cửa đã thấy cả nhà nôn nóng vây quanh Trường Lạc, ông bà nội chẳng khác gì kiến bò trên nồi đang đặt trên bếp lửa, cứ đi đi lại lại quanh nhà. Thấy con trai dẫn được lão Mã mù về nhà, họ liền chạy vội đến, cầm lấy tay lão Mã mù, nước mắt rơi lã chã.
“Quý nhân của nhà ta đây rồi, ông Mã ơi, ông phải cứu sống cu Lạc nhà chúng tôi!” Bà nội cu Lạc suýt nữa còn quỳ xuống khấu đầu lạy lão Mã mù, may mà ông nội cu Lạc cản kịp.
“Chẳng ra thể thống gì!” Ông nội cu Lạc mắng một câu rồi quay sang bảo con trai đỡ mẹ vào trong buồng.
“Ông nội cu Lạc khỏe phết nhỉ?” Lão Mã mù cười chào.
“Cũng nhờ hồng phúc thôi. Ngần này tuổi rồi cũng đi theo các cụ tổ tiên được rồi. Nhưng con trẻ thì không được như vậy, mà đáng ra không nên bị như thế, ốm đau bệnh tật không nên dày vò mới phải. Mong ông Mã giơ cao đánh khẽ tìm cách chữa khỏi bệnh cho cháu nội tôi. Cả họ Lý nhà tôi biết ơn ông mãi mãi.”
“Ông nội cu Lạc nặng lời quá. Mã mù tôi đến đây vì cháu nội ông mà. Giờ cháu nó bệnh đến mức này không thể chậm trễ được nữa. Tôi phải cõng nó về nhà mình chữa bệnh mới được. Gia đình ông không được ai đi theo đâu đấy, càng không được ai trèo tường nhìn trộm tôi chữa bệnh. Nếu không, có xảy ra việc gì tôi không chịu trách nhiệm đâu.” Lão Mã mù nói một tràng, ông nội cu Lạc chỉ biết gật đầu lia lịa.
“Thế thì mời ông cõng cháu tôi về nhà nhanh lên. Bệnh nặng không nên chậm trễ.” Ông nội cu Lạc ra lệnh. Mẹ cu Lạc có vẻ không yên lòng, muốn đi theo nhưng bị mọi người cản ngay. Lão Mã mù luộm thuộm bế thốc lấy cu Lạc như chim đại bang quắp lấy gà con đặt lên lưng. Sau đó lão choàng một chiếc chăn lông lên trên, chạy nhanh như gió về phía căn nhà rách nát của mình. Cả gia đình cu Lạc chỉ biết đứng nhìn chằm chằm.
Cả gia đình họ Lý trên dưới không được giây phút bình yên. Mẹ cu Lạc như bị mắc bệnh mất trí nhớ, luôn miệng lẩm bẩm tên con, bà nội cu Lạc tay lần tràng hạt, luôn miệng cầu trời khấn phật che chở, ông nội cu Lạc có vẻ bình tĩnh nhất, hai tay đặt lên chiếc gậy ba toong, nhưng chân thì run lẩy bẩy. Bố cu Lạc, cậu cả nhà họ Lý im lặng đứng ở cửa nhà chờ đợi. Tuy lão Mã mù được mọi người đồn thổi là thần y, tuy lão đã chữa khỏi bệnh cho cậu con trai tật nguyền của chị góa Lưu nhưng giờ đến nhà mình thì cậu cả nhà họ Lý vẫn cứ nghi ngờ. Cậu nghĩ cái lão ấy nhìn thế nào cũng chẳng thấy giống một bác sĩ chữa bệnh cứu người, tạo phúc cho mọi người. Nói lão ta đã bán cậu bé tên là Hoa thì chín trong mười người sẽ gật đầu đồng ý ngay.
Cứ như vậy, cả nhà họ Lý chịu đựng sự dày vò này từ sáng sớm tinh mơ đến lúc mặt trời khuất bóng. Cuối cùng, cha cu Lạc nhìn thấy từ xa có hai bóng người đi đến.
“Về rồi, về rồi!” Bố cu Lạc lao từ trong nhà ra hét toáng lên, mọi người đứng vụt dậy như bị điện giật rồi cũng ùa ra cửa. Lúc lão Mã mù ôm cu Lạc đi thì mặt cu cậu xanh tím, hai mắt trắng dã, chân tay co giật, còn giờ cu cậu đang cầm bàn tay múp míp của lão Mã mù, tràn đầy sức sống đi đến.
“Ôi đúng là thần y!” Bố cu Lạc thốt lên kinh ngạc.
“Cầu trời cầu phật phù hộ độ trì.” Bà nội cu Lạc nước mắt rưng rưng, còn ông nội cu cậu thì thở phào nhẹ nhõm.
Mẹ cu Lạc sao nhỉ? Mẹ cậu đã chạy ra từ lâu, đang ôm cậu con trai ngắm nghía từ đầu đến chân như sợ thiếu một phần cơ thể nào đó. Mãi đến khi nhận ra con mình lành lặn, người mẹ ôm con hôn ngấu nghiến, khiến cho khuôn mặt cu Lạc láng mịn và đầu thì đầy nước bọt của mẹ.
“Thế nào, lão Mã mù đã nói thì chỉ có như đinh đóng cột. Ta nói là con cháu nhà các vị không bệnh tật gì thì chắc chắn con cháu nhà các vị không sao cả.” Lão Mã mù thích thú đến độ các cơ thịt cũng rung rung lên.
Cả họ nhà cu cậu Trường Lạc càng khâm phục lão Mã mù hơn.
Bà nội cu cậu suýt nữa còn coi lão ta như Phật sống. Việc này nhanh chóng lan truyền khắp làng, danh tiếng của lão ngày càng bay xa, bác sĩ thầy lang trong làng cũng thấy tự hổ thẹn với lòng mình vì không được giỏi như lão.
Đáng tiếc là chưa đến nửa năm sau lão Mã mù bị chết, nổ banh xác trong lúc uống rượu tại quán nhà chị góa Lưu. Toàn thân lão lỗ chỗ vết thương. Một đồn mười, mười đồn trăm về cái chết của lão, nhưng theo người chứng kiến được thì lão chết có thể do ăn uống quá độ, hoặc do bệnh tim bột phát. Nhưng cụ thể ra sao thì ai mà biết được?
Dù sao thì lão Mã mù cũng đã chết. Một số người được lão chữa khỏi bệnh thì buông vài lời luyến tiếc. Cái chết của lão không ảnh hưởng đến cả câu chuyện nên tôi chỉ nói sơ qua vậy thôi.
Nhưng cũng phải nói một câu là lão Mã mù chết mà chị góa Lưu không hề rơi một giọt nước mắt. Tuy vậy, từ đó không ai nhìn thấy chị góa Lưu tươi cười bao giờ. Không lâu sau chị góa Lưu sinh được một cô con gái. Mọi người đồn rằng đó là cốt nhục của lão Mã mù nhưng chị góa Lưu chưa bao giờ thừa nhận điều ấy.
Lại quay về với gia đình họ Lý. Cậu bé Trường Lạc từ sau khi được lão Mã mù chữa khỏi bệnh thì lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc mà mười mấy năm trôi qua, nhà họ Lý cũng trải qua nhiều khó khăn. Tuy thế, ông nội cu Lạc vẫn bình yên rời khỏi cõi đời, hai năm sau bà nội cũng đi theo ông. Bố mẹ Trường Lạc thì già theo năm tháng, còn cu Lạc ngày nào nay đã trở thành một chàng trai cao to và cũng đã đến lúc bàn tính chuyện vợ con để còn kế tục hương hóa dòng họ. Bản thân cậu chẳng gấp gáp gì chuyện đó, vì cậu không thích.
Cậu chỉ thích câu chuyện mười mấy năm trước lão Mã mù đã chữa bệnh cho mình.
Xem tiếp: Chương 12b