Nếu Không Đẻ Được, Anh Có Bỏ Em Không? Quyển 1 - Chương 5
Chương trước: Quyển 1 - Chương 4
Sáng hôm sau, bác sĩ lên thăm khám lại một lượt, chỉ định thử máu, thử nước tiểu rồi mới cho ăn sáng. Tôi thèm một tô bún bò kinh khủng, vậy mà Thái lại tiếp tục mua cháo, cháo thịt bằm, ngán lắm mà vẫn phải húp vì bụng đói cồn cào lắm rồi. Tới trưa thì người ta nói là đỡ rồi, cho làm thủ tục xuất viện để về nhà chăm sóc, anh lại đi theo bác sĩ nghe dặn dò, xong thì thanh toán viện phí lần nữa rồi kêu xe taxi đưa tôi về nhà.
- Bạn muốn về đâu? Hay về nhà tôi nhé?
- Đâu có đồ thay đâu, thôi anh cho em về phòng trọ.
- Thôi, bạn đang bệnh mà, bác sĩ dặn phải ngủ nghĩ đàng hoàng, nhà trọ ẩm thấp lắm. Để lát tôi chạy qua lấy đồ cho bạn, dù gì xe tôi vẫn gửi bên đó.
- Sao anh không ghé lấy luôn đi?
- Bạn ngồi trong taxi một mình tôi cũng không yên tâm.
- Đừng có coi em như con nít như vậy.
- Bạn là người lớn hồi nào mà không con nít?
- Hai mươi hai tháng một này là em được 18 rồi đó!
- À, ừ!
Anh gật gù cười cười đắc chí. Lạ thật, đúng là kiểu ăn quen nhịn không quen, kiểu chăm ấm nệm êm không thể nào từ chối được, tôi cũng không thể ngờ rằng lần này mình còn chủ động về nhà anh. Thái đưa tôi về nhà của mình xong lại đi taxi qua nhà trọ lấy đồ cho tôi, bác chủ nhà nghĩ là người yêu của tôi nên niềm nở lắm.
Tôi ở nhà anh ăn chực hai ngày thì khoẻ lên hẳn. Tôi gần như dựa dẫm hoàn toàn vào anh, ngày thì cứ nằm, ăn, uống thuốc, coi ti vi và nghe nhạc, thích thì tự giặt đồ, mà đa số là anh không cho giặt. Mỗi ngày anh đi khoảng ba tiếng từ 14h-17h rồi về, tối thì mỗi đứa một chỗ như ngày đầu tiên. Tôi tự nghĩ sau này sẽ xin ngoại trả lại tiền cho anh, chắc cũng tầm mười triệu là cùng thôi, hôm trước ngoại hứa khi tôi đủ 18 tuổi, nếu thi đậu bằng lái xe thì ngoại sẽ mua cho chiếc Attila.
- Chắc em về quá, ở đây hoài, chán, không làm gì, mà anh lại phải nghỉ làm.
- Vài bữa nữa đi, tôi tìm cho bạn nhà trọ khác, vẫn đang tìm nhưng chưa ưng ý.
- Tại sao?
- Thì nhà trọ kia ọp ẹp quá, toilet lại xài chung, không ngại sao? Có thể như vậy nên mới ốm hoài đó.
- Vì em không có tiền mà.
- Thì đó, giúp thì giúp cho trót, để tôi tìm dùm bạn một chỗ ở tốt hơn, dùm thôi mà!
- Tại sao anh cứ phải lo cho em nhiều thế?
- Vì tôi thích!
- Anh thích em hả?
- Không, tôi thích lo cho bạn, cho người khác, tôi nói rồi, tôi bao đồng lắm.
- Vậy ngoài em ra anh có lo cho ai nữa không?
- Không, mình bạn đã đủ mệt rồi!
Anh cười tươi.
- Tết thì sao anh?
- Sao là sao?
- Anh không có gia đình gì sao?
- Có, nhưng xa, năm nay không về cũng được.
- Vì em sao?
- Một chút xíu.
- Em muốn về nhà, một tuần nữa là Tết rồi, sau đó là sinh nhật em. Không phải em ham sinh nhật đâu mà em chưa bao giờ ăn Tết một mình như vậy. Em buồn và nhớ nhà lắm.
- Ừ, biết đòi về là tốt rồi. Tối nay tôi sẽ chở bạn về. Chúc mừng người con gái sáng suốt!
- Còn đồ của em bên nhà trọ?
- Chuyện nhỏ mà, sẽ chuyển về sau, có nhiều đâu mà lo.
- Anh đúng là như siêu nhân vậy, tốt bụng ghê, như là anh hai của em!
Tôi ngồi đến cửa sổ nhìn xa xăm, tôi tưởng tượng, suy nghĩ và thấy sau cơn thập tử nhất sinh vừa rồi, tôi nên quý trọng gia đình hơn. Mẹ tôi chắc chỉ muốn lên mặt với tôi thôi, chứ mười bảy năm qua tôi muốn gì mà không được. Còn ngoại nữa, tết không có tôi sao ngoại chịu nổi? Tôi không có ngoại cũng sống dở rồi đây. Nghĩ vậy, tôi thấy vui trong lòng, cứ cười một mình mãi. Mười bảy tuổi, nông cạn và chưa tính toán nhiều nên chắc tới đây là được rồi. Bốn tháng trời lang thang bên ngoài, Tết tới nơi rồi, chắc mẹ cũng chẳng chửi bới gì nữa đâu. Nhưng kiểu gì không chửi nhiều cũng chửi ít, cứ chuẩn bị sẵn bài văn xin lỗi cái đã.
Chiều, anh chở tôi đi ăn cơm tấm. Cổ họng đã êm trở lại, mấy ngày qua, ngày nào tôi cũng phải uống mật ong và kiêng nước đá. Tôi vui và hồi hộp lắm, tôi nói liên thiên về gia đình, về nhà, về ngoại không ngừng, thấy anh cũng vui vui. Khoảng 6h30, anh chở tôi từ quận 5 qua Gò Vấp.
Về đầu hẻm, ngay chỗ tôi thấy mẹ hôm nọ, cũng hơi chột dạ nhưng tôi vẫn quay ra cảm ơn anh và xuống xe, trước đó tôi đã kịp lấy số điện thoại của anh rồi, để tiện sau này còn cám ơn và liên lạc. Lòng tôi vui như cơn gió xuân, phơi phới và dễ chịu, cuối cùng cũng được về nhà rồi, sẽ được ngoại ôm hun liên tục cho coi.
- Anh bỏ em ở đây được rồi, bước mấy bước là vô tới nhà em thôi. Anh đừng vô, em ngại lắm.
- Ừ, chúc đoàn tụ vui vẻ nha!
- Em sẽ kể cho ngoại nghe về anh nhiều, anh Thái.
- Bye.
- Bye anh, em sẽ gọi anh!
Anh nheo nheo mắt, gương mặt tươi tỉnh, đưa tay vẫy chào tôi rồi chạy xe đi.
Tôi chạy nhanh về nhà, hàng xóm thấy tôi thì chỉ trỏ to nhỏ. Tôi mặc kệ. Tôi mở cửa, ngoại đang ngồi trên bộ ghế gỗ, tôi kêu to :
- Ngoại ơi, con về rồi!
Bà ngoại khóc liền, tức khắc đi nhanh ra ôm lấy tôi, hun mặt, hun tay, hun đầu tôi, ngoại nắn nắn bàn tay, mếu máo :
- Sao ốm và xanh quá vậy con ơi?
- Dạ con bị bệnh.
- Con đi con ăn ở với ai con ơi? - Ngoại khóc không ngừng.
- Con xin lỗi, con nhớ ngoại quá chừng. – Tôi cũng thút thít theo.
Cứ như vậy ngoại ôm tôi chặt lắm, ngoại còn gọi điện cho cô Hà mua rượu và thuốc xông về tắm cho tôi, tai qua nạn khỏi. Ngoại gọi cho mẹ kêu về gấp, gọi cho dì hai, cậu ba, dì tư… khoe nữa.
Tôi tắm táp sạch sẽ, thơm tho. Mặc đồ của mình thấy rộng, chắc tôi ốm đi khá nhiều rồi.
Mấy cậu dì nghe tin tôi về thì qua đông đủ cả, ai cũng trách quở vài câu, xong lại răn dạy thế này thế nọ, nhưng mẹ tôi vẫn chưa về. Phải sau đó một tiếng mẹ mới về, về chung với ông Cường. Vừa vào nhà, ông Cường giả bộ phong độ thưa thốt, chào hỏi còn chưa dứt câu, mẹ đi về phía tôi và xáng ngay một bạt tay.
- Con quỷ nhỏ, dám bỏ nhà đi, mày có biết ở nhà này sống dở vì mày không hả?
Tôi khóc lớn, không nói gì, vì không biết nói gì, tôi vừa hạnh phúc cả ngày, nhưng chỉ một khắc này thôi là tôi lại rơi xuống mười tám tầng địa ngục. Tôi cúi đầu, tay ôm mặt đứng như gỗ đá, khóc hu hu.
- Mày thôi đi, sao cứ đánh con nhỏ hoài vậy? Mày là mẹ nó, nó là con chứ không phải là kẻ thù của mày! - Ngoại chửi mẹ.
- Má suốt ngày bênh vực, cho nên nó mới mọc sừng mọc nanh, ai đời con gái mười bảy tuổi đầu mà dám bỏ nhà đi hoang mấy tháng trời. - Nói dứt câu, mẹ lao lại định cho tôi thêm một cái tát nữa. Tôi chạy ra sau lưng ngoại.
- Mày thôi đi, mày đánh cháu tao một cái nữa là tao đuổi ra khỏi nhà, đồ ác mẫu!
- Má thương cháu hơn con, nó hư là tại má.
Các cậu dì ai cũng bảo mẹ thôi đi, chỉ có riêng ông Cường là đứng yên không nói lời nào, đúng là đàn ông khốn nạn.
- Ừ, cháu tao nó còn nhỏ, nó mới mười bảy tuổi, nó hư là tại tao. Còn mày, gần năm mươi tuổi đầu rồi mà mày còn hư thì đừng có mở miệng nói nó. Cũng là tại tao. Ba mày chết sớm, để lại một bầy con, tao không thể dạy hết, phải có đứa ngoan đứa hư!
Mẹ nóng mặt, cứng họng không nói được gì, liếc tôi với đôi mắt sắc lẻm. Lúc này ông Cường mở miệng lên tiếng :
- Kìa má, dù sao má cũng không nên lớn tiếng với Diễm trước mặt Dung như vậy. Kiểu này tụi con không thể dạy được nó nữa!
Mặt mẹ tôi dịu hẳn, kiểu được người yêu bảo vệ, tôi thì tức điên lên chỉ muốn lấy dao đâm cho ông một nhát.
- Ở cái nhà này không đến lượt chú lên tiếng. Chú không có quyền mà ý kiến má tôi làm gì hay không làm gì, đây là chuyện riêng của nhà. Lúc nãy chú im lặng thì giờ cũng đừng lên tiếng làm gì. Định chia rẽ à? - Dì hai gằn giọng hỏi.
- Chị biết gì mà nói, đừng có ỷ con chị ngoan ngoan rồi lên mặt! - Mẹ tôi nạt dì hai như tát nước. Mọi người bực mẹ tôi quá nên bỏ về hết, để nhà tự xử.
Khi mọi người trong gia đình về hết, tôi vẫn chết đứng sau lưng ngoại sau cái bạt tai như trời giáng của mẹ, ánh mắt sợ sệt và yếu đuối. Lúc này ngoại cũng rất buồn, buồn đến bất bực không nói được tiếng nào. Đây không phải lần đầu tiên tôi bị đòn, nhưng là lần đầu tiên mẹ đánh tôi trước mặt người lạ. Ông ta từ tốn chào ngoại tôi rồi về, mẹ hầm hầm bỏ vô phòng. Ngoại cũng dắt tay tôi vô phòng ngoại. Ngoại dỗ dành, thương yêu rồi luộc trứng gà lăn cho tôi. Ngoại kêu tôi đi ngủ sớm, mai ngoại sẽ cho tôi tiền mua đồ mới, mua điện thoại mới.
Nằm trong phòng, trên cái giường êm ấm của mình, tôi khóc rất nhiều. Bao nhiêu câu hỏi lẩn quẩn trong đầu, tại sao mẹ lại đối xử với tôi như vậy? Chẳng phải tôi đã chịu nhận lỗi đã trở về hay sao? Gần 18 năm qua, đó là giây phút tôi hầu như không hề tồn tại trong lòng mẹ? Hay là tôi chỉ là thứ bỏ đi và người đàn ông kia là vật thay thế trong tim mẹ rồi? Tôi sợ cảnh xa mẹ, xa ngoại, xa nhà, tôi không thích ở trong cái phòng trọ như vậy, hi chạy ngoài đường thì phải nhìn trước ngó sau, rồi phải đi làm và bị ăn hiếp. Tôi không lười biếng nhưng tôi không thích như vậy, ai mà thích như vậy chứ? Tôi biết lỗi và nhận lỗi, mẹ muốn tôi phải làm sao thì mẹ mới yêu thương tôi như trước đây? Tôi buồn và đau lòng vô cùng. Tại sao lúc nãy mẹ đánh tôi, những con virus bệnh hoạn trong cơ thể không nổi dậy quật ngã tôi luôn đi? Tôi không thể giả bộ xỉu, không thể giả bộ ngã quỵ. Con phải làm sao đây trời ơi?
Phòng kín mà tôi vẫn nghe tiếng mẹ và ngoại cãi nhau sang sảng, đại loại mẹ nói tôi hết đường dạy, mẹ bị bất ngờ trước việc tôi dám qua mặt mẹ bỏ đi, việc khi nãy người ở xóm thấy có trai chở tôi về, rồi mẹ nói sớm muộn tôi cũng chửa hoang… Ngoại đuổi mẹ đi, ngoại nói mẹ quá tàn nhẫn, mẹ không thấy tôi ốm o, gầy mòn, xanh xao, ngoại nói mẹ không còn lương tâm của một người mẹ.
- Đó là cái giá nó phải chịu, con không ép nó đi, nó đi thì nó chịu!
- Mày đuổi cháu tao nên nó mới đi. Đây là nhà của tao, không phải nhà của mày!
- Chính tại má, lúc nào má cũng bênh nó, để nó leo lên đầu con ngồi.
- Mày đang u mê, tao không nói chuyện với mày. Nhưng chỉ cần tao còn sống ngày nào thì không ai có quyền làm cho con Dung đau khổ, không ai có quyền làm nó tổn thương, kể cả mày. Nếu mày không biết cách bảo vệ con mày thì để tao, cái thân già của tao sẽ bảo vệ cho nó!
- Nó giống y thằng cha nó, chỉ giỏi làm khổ con, má nói thì hay chứ má có thương hay bảo vệ con chưa?
- Ừ, tao đâu có bảo vệ mày. Khi mày mang cái bụng chang bang bị nó bỏ thì chó đem mày về nuôi, tạo công ăn việc làm cho mày, nuôi con cho mày để ngày hôm nay mày nói kiểu đó. Mày mới ác!
…
Rồi nghe giọng mẹ khóc nấc, tôi nghe thấy tiếng đóng cửa phòng ngoại. Không biết như vậy có phải bi kịch gia đình không nữa? Tôi lấy cái gối nằm đè đầu mình, che tai lại để khỏi nghe. Mười một giờ đêm, tôi không ngủ được bèn ngồi dậy, mắt sưng húp, mũi nghẹt không thở được. Tôi lấy nhật ký ra viết. Rồi đột nhiên tôi nghĩ đến Thái, nếu anh ở đây thì chắc anh ta cũng sẽ như ngoại, sẽ tìm cách bảo vệ tôi. Ngoài cuốn nhật ký, vui nó cũng biết, buồn nó cũng biết thì nay còn có Thái, anh như siêu nhân vậy, thế mà còn bị mẹ hiểu lầm là người xấu nữa kìa. Chắc ý mẹ là tôi hư nên bị trai dụ dỗ mới bỏ nhà ra đi?
***
- Dậy đi con, Dung! Dậy ngoại cho tiền đi mua đồ mới nè!
Nghe tiếng ngoại gọi, tôi lồm cồm ngồi dậy, cũng hơi chóng mặt nhưng đây là nhà tôi rồi mà. Đêm đầu về nhà sau gần bốn tháng đi hoang cũng thật là nặng nề, mặt cũng còn tí sưng nhưng đã đỡ hơn. Tôi dậy ăn sáng.
- Bữa nay nhà có giỗ, ngoại phải ở nhà cúng, con cầm tiền tự đi đi, kêu chị Quế Anh hay anh Khải xem đứa nào rảnh thì rủ đi cùng, rồi mua điện thoại luôn.
Ngoại đưa cho tôi một xấp năm trăm ngàn. Cầm tiền trong tay tự nhiên tôi nghĩ đến anh.
- Ngoại, con có thiếu tiền người ta nữa, có gì ngoại cho con tiền trả nha?
- Ừ, nhiều không, có gì kể ngoại nghe!
- Để con hỏi chứ con không biết nữa, nhưng nhiều lắm.
- Ừa, con ăn sáng rồi đi đi, ngoại chờ cô Hà đi chợ về sửa soạn nấu đồ cúng. Đi đi, trưa nhớ về ăn cơm, trưa nay mấy cậu, dì con cũng qua.
Bụng tôi còn buồn lắm nhưng không lẽ cứ ủ rũ hoài sao, tạm quên chuyện tối hôm qua đi đã.
Ăn trưa xong xuôi, mẹ lại ra cửa hàng tiếp. Tôi xin phép cả nhà lên phòng nằm, lấy điện thoại mới ra và gắn sim vô :
- Hi anh.
- Bạn về nhà có vui không?
- Không vui đâu, sao anh biết là em?
- Tôi là thầy bói mà, nhưng sao lại không vui?
- Thôi bỏ đi, không vui mà còn kể làm gì.
- Ừ.
- Nhưng em có nói với ngoại em rồi, ngoại sẽ cho tiền trả anh đó.
- Bạn kể cho bà ngoại bạn nghe rồi hả?
- Chưa, nhưng sẽ kể sau.
- Bây giờ bạn ra ngoài được không?
- Được mà, đâu có bị giam lỏng đâu.
- Đi café không?
- Chừng nào?
- Thì khi nào bạn đi được.
- 2h đi được không? Em không ngủ trưa là bị ngoại la.
- Ừ, gặp nhau ở đâu?
- Em không biết.
- Quận 3 được không?
- Dạ, quán nào, anh cho em địa chỉ lát em sẽ ra đúng giờ?
- Ok, lát gặp.
Sao anh lại biết là số điện thoại của tôi mà trả lời nhanh thế nhỉ, anh thật sự rất thông minh. Tôi lưu tên anh trong danh bạ là “Thái tốt bụng”, rồi sau đó gọi cho con Tiên báo cáo tình hình chiến sự, tám một chút sau đó chuẩn bị đi gặp Thái. Chiều hôm qua mới gặp nhau, vậy mà tới chiều nay đã thấy thời gian dài ghê gớm.
Xem tiếp: Quyển 1 - Chương 6