Tìm chuyện

Gõ vào bất kể từ gì bạn nhớ để tìm kiếm Ví dụ: Tên truyện, Tên tác giả, Tên nhân vật...
Để tìm kiếm chính xác hơn, Bạn có thể kết hợp nhiều từ khóa tìm kiếm và đưa vào trong ngoặc kép. Ví dụ: "Từ khóa 1" "Từ khóa 2"
Hệ thống hỗ trợ tìm kiếm với cả tiếng việt có dấu và không dấu

Sáp Huyết Chương 4: Huynh Đệ (兄弟) (2)

Chương trước: Chương 4: Huynh Đệ (兄弟) (1)



Hiếu Nghĩa vốn là một huyện nhỏ, huyện lệnh nghe nói Điện tiền chỉ huy sứ giá lâm vội vàng cuống quýt chạy tới bái kiến. Quách Tuân không có lòng dạ nào xã giao mà chỉ nhìn mấy đại phu, mong bọn họ có thể nói ra bốn chữ 'Có thể cứu chữa'. Nhưng mấy đại phu này đều lắc đầu, bốn chữ nói ra lại là "Người này đã chết!"

Quách Tuân giận dữ, thiếu chút nữa là đem bốn vị đại phu này đi chôn sống. Cũng may hắn không phải là người ngang ngược, không nói đạo lý với người khác nên cố đè nén cơn giận dữ xuống, biết rõ những người này đúng là không làm gì được. Hắn không muốn lãng phí thời gian ở nơi đây nữa bèn bảo huyện lệnh tìm mấy con ngựa tốt nhất, một lần nữa lên lại xe ngựa chạy một mạch về hướng nam, đi tới Linh Thạch.

Khi tới được Linh Thạch, huyện lệnh đã sớm cùng mấy vị đại phu cung kính chờ đợi, một đại phu tiến lên bắt mạch cho Địch Thanh rồi nhíu mày nói: "Đại nhân, người này đã chết!"

Huyện lệnh Linh Thạch cau mày quát lớn: "Ngươi nói bậy bạ gì đó, hắn rõ ràng ... vẫn còn một chút cơ hội sống mà." Thật ra trong lòng huyện lệnh cũng cảm thấy Địch Thanh vô phương cứu chữa nhưng không dám đắc tội Quách Tuân, thầm nghĩ Địch Thanh muốn chết cũng được nhưng không nên chết ở huyện Linh Thạch.

Quách Tuân thở dài một hơi, không biết làm gì hơn nữa. Lúc này có một lão già tiến lên nói: "Đại nhân, vị tiểu ca này não bộ bị tổn thương dẫn đến hôn mê bất tỉnh, gọi là chết giả, chứng bệnh này thuốc thang và châm cứu đều không có tác dụng."

Trong lòng Quách Tuân khẽ động, vội hỏi: "Vậy cái gì mới có tác dụng đây?"

Lão già đáp: "Lão phu sống đến chừng này tuổi cũng đã gặp qua không ít chứng bệnh kì quái phức tạp, biết được rằng trước đây cũng có một người giống như tiểu huynh đệ này. Đó là một đứa bé bướng bỉnh, trèo cây không cẩn thận bị ngã xuống đất, đầu bị một cái cào sắt đâm vào khiến cho hôn mê bất tỉnh."

Quách Tuân gấp gáp hỏi: "Đứa bé kia sau đó sống hay chết?" Hắn nhìn chằm chằm lão già, chỉ mong được nghe hai chữ "Còn sống", bởi vì đứa bé kia nếu như cũng có thể sống thì Địch Thanh cũng có cơ hội.

Lão già đáp: "Đứa nhỏ kia sau này quả thực có tỉnh lại, nhờ thần y Vương Duy Nhất ở kinh thành cứu chữa."

Quách Tuân nghe được ba chữ "Vương Duy Nhất" thì vỗ đùi đen đét, hét lớn: "Ta thật là nóng vội quá mà hồ đồ rồi, sao lại quên hắn chứ, vậy mà còn lãng phí công sức ở đây làm gì không biết?"

Dĩ nhiên là Quách Tuân biết kỳ nhân Vương Duy Nhất kia, người này mặc dù tuổi tác không lớn nhưng y thuật cực kỳ tinh thông, rất nổi tiếng ở kinh thành.

Vương Duy Nhất hiểu rõ hệ thống kinh mạch của cơ thể người, tinh thông thuật châm cứu từ xưa tới nay, với người bị bệnh nặng thường không cần phải uống thuốc mà chỉ cần châm một châm là công hiệu ngay. Mấy năm trước còn nâng trình độ hiểu biết lên một tầm cao mới, nhờ triều đình hỗ trợ chế tạo hai hình người bằng đồng làm bản mẫu cho thuật châm cứu, phát triển phương pháp châm cứu vang danh thiên hạ. Nước Khiết Đan dù chỉ mới nghe thấy thôi nhưng cũng thèm khát được nhìn thấy đồng nhân này, chỉ tiếc là cầu mà không được. Lúc này Địch Thanh chẳng có thuốc thang nào chữa được, cách duy nhất cứu tính mạng y chắc chỉ có thể nhờ vào tay châm cứu của Vương Duy Nhất.

Quách Tuân suy nghĩ tới đây đột nhiên đứng bật dậy, ra lệnh cho Triệu Luật đi chuẩn bị ngựa. Thấy đám đại phu đều ngượng ngùng, có lẽ còn canh cánh trong lòng những lời nói của mình, Quách Tuân cảm thấy hơi áy náy, suy cho cùng những người này cũng đã khổ cực một phen. Hắn nghĩ vậy, bèn nói với tri huyện: "Những đại phu này cũng đã vất vả rồi, ta vẫn còn muốn làm phiền tri huyện đại nhân cấp cho họ chút tiền thưởng."

Tri huyện Linh Thạch chỉ mong Địch Thanh đừng chết ở chỗ này thì giá nào cũng trả, ngay lập tức khen thưởng mấy đại phu kia. Mấy lão già vừa được trọng thưởng xong, ai cũng vui vẻ. Quách Tuân đột nhiên nhớ tới một chuyện, hỏi: "Lão trượng, ông có biết đứa bé đó trước kia ở nơi nào hay không?”

Lão già do dự một lát rồi mới nói: "Đứa bé này sau khi được cứu chữa thì theo cha mẹ nó về quê, nhưng chỉ nửa năm thì đột nhiên mất tích khiến cho cha mẹ nó thương tâm gần chết." Thấy vẻ mặt của Quách Tuân tràn đầy hoài nghi, lão già vội nói tiếp: "Đại nhân, việc này không phải lão hủ bịa ra đâu, nếu người đến quê nhà của lão hủ, chỉ cần hỏi thăm một chút sẽ biết được việc này."

Quách Tuân vội đáp: "Ta không phải là không tin ông, chỉ là không hiểu đứa bé này đã đi đâu?"

Tri huyện Linh Thạch nói: "Quách đại nhân, hạ quan thật sự không nghe có ai trình báo cả, nên không biết biệc này."

Quách Tuân thấy hắn đùn đẩy trách nhiệm, nghĩ rằng việc này đã xảy ra lâu rồi, chắc cũng đã trở thành nghi án nên không có tâm tư quan tâm tới việc này. Lúc này Triệu Luật đã chuẩn bị ngựa xong, cấm quân ở thung lũng Phi Long cũng đã chạy tới, báo rằng không tìm thấy thi thể của bọn người Quách Mạc Sơn cũng như tung tích của bọn họ. Quách Tuân cảm thấy vô cùng khó hiểu, thầm nghĩ mấy người này đều rất thông minh, nếu như không chết thì thế nào cũng sẽ tìm cách liên lạc với cấm quân ở ngoài cốc, sao lại không có tung tích gì? Nhưng lúc này lòng dạ của hắn hoàn toàn chỉ nghĩ tới Địch Thanh chứ không lo được nhiều chuyện, ngay lập tức ra lệnh cho cấm quân tiếp tục tìm kiếm, còn mình thì mang Địch Thanh lên xe ngựa, mang theo một nhóm cấm quân trở về kinh thành.

Chạy một mạch cả ngày lẫn đêm không nghỉ, cấm quân phía trước cưỡi ngựa phi như tên bắn, lại liên tục đổi ngựa. Mọi người vượt Long Đức quân(1), qua Hoài Châu, vượt sông Hoàng Hà đến Biện Khẩu, dọc theo dòng sông Biện, cuối cùng cũng đến được Khai Phong.

Kinh thành mở ra, dưới chân thiên tử.

Đây là lúc triều Tống yên ổn hưng thịnh phồn hoa nhất, thủ đô Khai Phong phủ của Đại Tống có thể nói là giao với tám phương, thông cùng vạn nước, là thời kì hưng thịnh nhất.

Lúc bấy giờ tuy quân sự Đại Tống đã suy yếu từ lâu, nhưng sau khi Tống Chân Tông ký Minh ước Thiền Uyên (2) với Khiết Đan ở phương bắc, Đại Tống đã có gần ba mươi năm không bị gây chiến. Tuy vùng tây bắc chiến loạn nổ ra liên tiếp nhưng tạm thời không ảnh hưởng đến đại cuộc, hiện nay Đông Kinh Khai Phong (3) phồn thịnh ấm êm, đã trở thành thủ đô mơ ước trong mắt người thiên hạ…

Trong trời đất mênh mông, thành Khai Phong đồ sộ nguy nga, trang nghiêm hùng tráng không lời nào tả xiết.

Từ vùng thung lũng Phi Long sát khí khắp nơi đến phủ Khai Phong ca múa thái bình, một đường từ địa ngục thẳng đến thiên đường. Đám cấm quân bôn ba nhiều ngày, bây giờ tất cả đều thở ra một hơi nhẹ nhõm, trên mặt người nào cũng mang theo vẻ thanh thản dễ chịu. Chỉ có Quách Tuân là hai hàng lông mày nhíu chặt, nhìn trời xanh cầu xin:"Ông trời ở trên cao, chỉ cầu người mở mắt cứu tính mạng của Địch Thanh. Dù cho Quách Tuân này có phải giảm thọ mười năm cũng cam tâm tình nguyện." Hắn ho khan vài tiếng, giọng nói có chút khàn khàn. Thương thế của y còn chưa có khỏi, lại bôn ba mấy ngày liền, dù cho thân thể có làm bằng sắt cũng khó mà khỏe được.

Quách Tuân vừa vào đến thành Khai Phong liền ra lệnh cho thuộc hạ đem Địch Thanh về phủ của mình, sau đó sai người đi mời thần y Vương Duy Nhất, còn riêng hắn thì lại đến Tam Nha phục mệnh. Quách Tuân là Điện tiền chỉ huy sứ, chịu sự quản lý của Tam Nha(4), lần này tuy không giết chết được Di Lặc phật chủ nhưng đã giết chết ba người trong Tứ Đại Thiên Vương, cũng tính là có công. Di Lặc phật chủ sau sự việc lần này e rằng trong thời gian ngắn khó mà khôi phục được như cũ. Về việc truy cùng giết tận thì tạm thời

giao cho Diệp Tri Thu phụ trách là được rồi, thân phận của Tam Đại Thiên Vương cũng do Diệp Tri Thu tiếp tục điều tra, Quách Tuân chỉ lo đến đây, chẳng rảnh đâu đi quan tâm hết những chuyện đó.

Khi Quách Tuân từ Tam Nha quay trở về phủ thì Vương Duy Nhất đã đến, đang ngồi bắt mạch cho Địch Thanh.

Vương Duy Nhất quần áo giản dị, sắc mặt hồng hào, chỉ có điều râu dưới cằm giống như kim châm, thoạt nhìn chỉ cần rút một sợi là có thể dùng để châm cứu. Thấy Quách Tuân vào phòng, Vương Duy Nhất đứng dậy nói: "Tham kiến Quách đại nhân."

Quách Tuân thi lễ nói: "Quách mỗ vừa trở về kinh thành đã làm phiền Vương thần y, thật áy náy quá."

Vương Duy Nhất cười nói: "Trước đây nếu không có Quách đại nhân trượng nghĩa cứu giúp thì trên đời này làm gì còn Vương Duy Nhất, một chút việc nhỏ này Quách đại nhân cần gì phải khách khí chứ?"

Quách Tuân thấy Vương Duy Nhất vẫn còn có thể nở một nụ cười thì trong lòng có thêm vài phần hy vọng.

Hóa ra Vương Duy Nhất bây giờ tuy là thần y, nhưng nhiều năm trước chỉ là một thầy thuốc nghèo khó. Trước đây lúc hắn mới vào kinh, trên đường đi gặp bọn đạo tặc cướp của giết người, nếu như Quách Tuân không đi ngang qua đúng lúc đó, không chừng Vương Duy Nhất bây giờ đã là thần tiên. Sau việc đó, Quách Tuân và Vương Duy Nhất ít có cơ hội gặp gỡ nhau. Quách Tuân tính tình nghĩa hiệp, cả đời cứu người vô số, mấy chuyện như vậy chẳng bao giờ để ý, nếu không phải vì Địch Thanh bị thương nặng thì chắc hắn cũng sẽ không nghĩ tới Vương Duy Nhất.

Lúc này nghe được Vương Duy Nhất nói như thế, Quách Tuân khiên tốn nói: "Vương thần y nói quá lời rồi, ông lòng dạ nhân từ làm đồng nhân cứu giúp mọi người, tạo phúc nhân gian, chắc chắn sẽ có thiện báo. Chẳng hay Địch Thanh ... chừng nào mới tỉnh lại được?"

Vương Duy Nhất cau mày nói: "Thực ra tình trạng não bộ bị tổn thương nặng nhưng vẫn còn sống như hắn, ta cũng đã từng gặp qua vài trường hợp. Cơ thể người vốn là một tạo vật kỳ diệu, hắn có thể tỉnh lại hay không thì ta cũng không biết được, chỉ có thể trông chờ vào ý chí sinh tồn của hắn. Mạng sống của con người có thể kiên cường như đá, hoặc mong manh như gió, chỉ khi hắn muốn sống lại thì ta mới có hy vọng cứu hắn." Thấy Quách Tuân tỏ vẻ khó hiểu, Vương Duy Nhất giải thích: "Sách cổ có nói rằng, 'Tâm tàng thần, can tàng hồn, phế tàng phách, tỳ tàng ý, thận tàng chí.' Tủy hải của Địch Thanh, cũng chính là bộ não của hắn và những cái này không thể tách rời, Địch Thanh mặc dù chỉ hôn mê mà không chết, nhưng mối dây liên hệ ý chí của hắn là rất lớn, nếu cắt đứt thì chắc chắn hắn phải chết."

Quách Tuân lo lắng hỏi: "Nếu như hắn không thể tỉnh lại thì còn có thể duy trì bao lâu?"

Vương Duy Nhất đáp: "Tình trạng của hắn lúc này rất giống với loài động vật ngủ đông, thể lực tiêu hao rất nhỏ cho nên mới có thể sống đến bây giờ. Nhưng mà...hắn cũng chẳng duy trì được mấy ngày nữa đâu, theo như ta thấy thì bảy ngày là cao nhất."

Vẻ mặt Quách Tuân trầm hẳn xuống, lẩm bẩm nói: "Chỉ có bảy ngày thôi sao?"

----------------------------------------------------------------------

Chú thích của người dịch:

(1)Long Đức quân: Tháng thứ hai làm hoàng đế, Tống Huy Tông sửa vương phủ trước kia của mình thành Long Đức cung. Tháng 11 năm Kiến Trung Tĩnh Quốc thứ năm (1101) đổi Chiêu Đức quân thành Long Đức quân. Hai năm sau thì đổi Long Đức quân thành Long Đức phủ. Năm Sùng Ninh thứ ba (1104), Long Đức phủ được ghép vào với các huyện Thượng Đảng, Trường Tử, Truân Lưu, Tương Viên, Lộ Thành, Hồ Quan, Lê Thành, gọi là Lộ Châu, thuộc tỉnh Sơn Tây và địa khu huyện Hà Bắc ngày nay.

(2)Minh ước Thiền Uyên: Năm 1004, người Khiết Đan phát động chiến tranh chống nhà Tống. Đại đa số đại thần của Tống không muốn giao tranh mà chỉ muốn hòa hoãn. Duy chỉ có tể tướng Khấu Chuẩn, người đứng đầu phe thiểu số chủ chiến, là cực lực phản đối, muốn quyết chiến. Cuối cùng thì Khấu Chuẩn cũng thuyết phục được Tống Chân Tông ngự giá thân chinh. Quân đội hai bên giao tranh tại Thiền Uyên (nay là khu vực phụ cận Bộc Dương thuộc tỉnh Hà Nam, phía bắc Hoàng Hà). Kết quả quân Tống giành chiến thắng. Mặc dù vậy nhưng năm 1005 triều đình nhà Tống vẫn ký Hòa ước Thiền Uyên. Hiệp ước này đã tạo ra hòa bình giữa hai quốc gia trong hơn 100 năm, nhưng nhà Tống phải ở vị trí thấp hơn so với nhà Liêu, mỗi năm Tống phải nộp cho Liêu 100.000 lạng bạc và 20.000 xấp lụa. Hai nước kết nghĩa làm huynh đệ quốc (nước anh em) với Liêu Thánh Tông Gia Luật Long Tự nhận Chân Tông là anh, Chân Tông gọi Tiêu thái hậu nhà Liêu là thúc mẫu. Sự chấp nhận vị trí thấp hơn có thể coi là sai lầm cực lớn trong chính sách ngoại giao của nhà Tống, bởi vì việc cống nộp này dù chậm chạp nhưng cũng dần dần làm hao mòn quốc khố của Đại Tống.

(3) Đông Kinh Khai Phong: Hơn 1.000 năm trước, dưới triều Bắc Tống, Khai Phong được gọi là Đông Kinh, là kinh đô phồn hoa bậc nhất thế giới thời đó. Theo tính toán của các nhà sử học, lúc bấy giờ, trong khi các thành phố lớn nhất ở phương Tây chỉ có 20.000 dân thì Đông Kinh có đến 1,4 triệu dân, tổng thu nhập của dân cư Đông Kinh chiếm đến 75% tổng thu nhập toàn thế giới. Đến năm 1153 được nhà Kim đổi thành Nam Kinh.

(4) Tam Nha: bao gồm có điện tiền ti, thị vệ thân quân mã quân ti (kỵ binh), thị vệ thân quân bộ quân ti (bộ binh), hợp lại gọi là Tam Nha. Cấm quân lúc đó chia làm thị vệ thân quân ti và điện tiền ti, gọi là nhị ti, trong đó thị vệ chia làm kỵ binh và bộ binh…

Loading...

Xem tiếp: Chương 4: Huynh Đệ (兄弟) (3)

Loading...

Bạn đã đọc thử chưa?

Hoàn Kiếm Kỳ Tình Lục

Thể loại: Kiếm Hiệp

Số chương: 14


Tiểu Hồ Ly Của Ta

Thể loại: Ngôn Tình

Số chương: 8


Hồng Phúc Dao

Thể loại: Đam Mỹ

Số chương: 41


Phù Dung Giang Hồ

Thể loại: Xuyên Không

Số chương: 43


Cô Vợ Thế Thân

Thể loại: Ngôn Tình

Số chương: 35