Đừng Nhắc Em Nhớ Lại Chương 6: Chương 2
Chương trước: Chương 5: Chương 1.5
Tôi không biết mình đã hôn mê bao lâu, khi mơ màng tỉnh lại, tôi có cảm giác mình đang bị ngâm trong băng đá, vừa lạnh vừa tối. Bốn bề bao quanh bởi đại dương lạnh giá và đen kịt khiến tôi không thể nào hít thở nổi. Tôi thì thào gọi một tiếng ‘mẹ’, ánh đèn chói lóa làm mắt tôi mờ đi. Tôi trông thấy Trình Tử Lương.
Còn có rất nhiều người khác vây quanh tôi, Trình Tử Lương nửa ngồi nửa quỳ, trong tay cầm lọ thuốc xịt của tôi. A Mãn cuống quýt nói: “Xe cấp cứu tới ngay bây giờ đây!”
Thực ra, chỉ cần đưa cho tôi lọ thuốc là coi như kéo tôi từ cõi chết trở về rồi. Không biết vì sao mình vẫn sống tốt, tôi yếu ớt vùng vẫy một hồi, cuối cùng, Trình Tử Lương ghì cánh tay tôi xuống. Anh ta nói: “Đừng cử động!”
Những chuyện không thể ngờ được trên đời này đúng là nhiều vô kể. Chẳng hạn như, tôi vẫn sống vui vẻ sau khi chia tay Trình Tử Lương dù rằng tôi từng nghĩ sự chia lìa sẽ rất đau đớn hơn cả cái chết.
Tôi cũng không ngờ sẽ tái ngộ Trình Tử Lương, điều không ngờ nhất chính là có một ngày, tôi lại được nghe giọng nói dịu dàng của anh ta với mình. Có lẽ tôi nên chết đi thì hơn, hoặc là, anh ta cứ như trước kia, hận tôi thấy tận tim gan, hận đến nỗi không muốn mở miệng nói với tôi nửa lời.
Tôi được đưa đến bệnh viện, Trình Tử Lương ngồi trên xe cứu thương cùng tôi, không ai thấy điều gì lạ thường cả. Nghe nói đám người kia sau khi uống rượu chán chê đã lôi nhau về, Trình Tử Lương nhất thời nổi hứng muố đến chào tôi, vì thế mà cứu được mạng tôi.
Lúc này, tôi thực sự căm ghét cái mùi của mặt nạ dưỡng khí, căm ghét sự hiện diện của Trình Tử Lương ở đây.
Bác sĩ Vương Khoa là người quen của tôi, hôm nay ông ấy vốn không có ca trực, nhưng vì tôi nhập viện nên bị gọi đến vào giữa đêm thế này. Vương Khoa lắc đầu nhìn tôi. “Uống rượu phải không?”
Cả người tôi toàn mùi rượu, muốn chối cũng không được. Vương Khoa lại nói: “Người không muốn sống thì thần tiên cũng không cứu được! Xem cô còn tự giày vò bản thân được đến bao giờ!”
Tôi ngượng ngùng nói: “Bác sĩ Vương, ở đây có cả bạn bè lẫn cấp dưới của tôi, nể mặt tôi một chút được không?”
Tề toàn lúc này đã tỉnh rượu, đang gọi điện sai người mời chuyên gia đến xem bệnh cho tôi. Anh ta tưởng là tôi bị dị ứng sau khi dùng thuốc bôi chân rồi lại uống rượu, đến khi biết tôi lên cơn hen suyễn, anh ta mới cúp máy, thong thả đến chỗ tôi: “Sao cô mắc bênh này thế? Y hệt Tô Duyệt Sinh? Đúng là người một nhà có khác!”
Tôi cười trừ, chẳng còn hơi sức để phản bác lại anh ta. Bác sĩ kiểm tra xong nói không có gì đáng ngại, chỉ quở trách tôi đi đứng không cẩn thận làm bong gân, cuối cùng yêu cầu tôi năm viện để quan sát.
Chuyện này nối tiếp chuyện kia, cứ như thế đến khi trời sắp sáng, Tề Toàn và mọi người ai về nhà nấy. Trình Tử Lương cũng đã rời khỏi đây, giữa chúng tôi chẳng có gì để nói cả, may mà anh ta không nhiều lời thừa thãi trong lúc đông người. Quá khứ nên được giữ yên thì hơn.
Tôi ngủ một giấc cho đến khi tự nhiên tỉnh. Rèm cửa sổ vẫn kéo kín, phòng bênh yên ắng, nghe rõ tiếng nước truyền nhỏ giọt tí tách. Tôi giơ cánh tay lên nhìn, đột nhiên phát hiện trên ghế dài có người.
Là Tô Duyệt Sinh.
Tôi giật nảy mình, kinh ngạc ngồi dậy, hỏi: “Anh….sao lại ở đây?”
“Công việc hòm hòm rồi nên về trước.”
Tôi chợt nhớ ra Hướng Tinh cũng nằm ở viện này. Không còn nghi ngờ gì nữa, Tô Duyệt Sinh yêu thương ‘gà cưng mới’ đến nỗi đang ở nước ngoài cũng phải lập tức bay về, thành ra tôi cũng được thơm lây một chút. Tô công tử thăm người đẹp xong, tranh thủ ghé qua hỏi han tôi.
Tôi nói: “Hướng Tinh sao rồi? Hôm nay em vẫn chưa qua thăm cô ấy được.”
“Ổn rồi!” Tô Duyệt Sinh có vẻ uể oải, chắc là do vừa xuống máy bay. “Nghe nói em được cấp cứu đưa tới, sao lại quên mang theo thuốc thế?”
“Em có mang theo thuốc, nhưng không lấy được.” Sức khỏe yếu như thế, thực sự đã có luc stooi nghĩ, năm xưa Tô Duyệt Sinh cứu mình cũng một phần vì chúng tôi mắc chung một bệnh. Mỗi khi bệnh tái phát, ai cũng trở nên chật vật, yếu đuối như một đứa trẻ, chẳng tốt hơn người kia là bao. Vì thế, Tô Duyệt Sinh mới cảm thấy tôi cùng một thuyền với anh.
Có tiếng gõ cửa vang lên, tài xế của Tô Duyệt Sinh mang thuốc vào cho tôi. Tô Duyệt Sinh nói: “Anh về ngủ một lát, có chuyện gì thì gọi điện.”
Thực ra tôi đã bình phục tám chín phần rồi. Người mắc bệnh hen suyễn, nhưng lúc không phát bệnh thì cũng khỏe khoắn như người bình thường thôi. Ngủ được một giấc, tôi có cảm giác mình đã khỏe như vâm. Đợi chai nước truyền chảy hết, tôi lên tầng trên thăm Hướng Tinh. Cô nàng cũng đã dậy, hiện giờ có thể ăn được đồ ăn loãng, nhưng trông người vẫn còn khá yếu.
Mỹ nữ đúng là mỹ nữ, ngay cả dáng vẻ lười nhác ngồi tựa thành giường cũng đẹp như Tây Thi. Hướng Tinh sau khi phẫu thuật, trung khí thiếu hụt, tôi dặn cô ấy hạn chế nói chuyện. Chỉ là thấy tôi mặc quần áo bệnh nhân, ánh mắt cô ấy toát lên vẻ kinh ngạc. Tôi chủ động giải thích: “Bệnh cũ ấy mà, chị bị hen suyễn, hôm qua uống quá chén nên phải nhập viện, thật là mất mặt!”
Hướng Tinh nhỏ nhẹ nói: “Phải giữ gìn sức khỏe nhé, chị Xảo!”
Lần đầu tiên nghe được hai tiếng ‘chị Xảo’ thân thiết như vậy, dường như tôi đã thấy cách gọi này ở đâu đó. Trở về phòng mình, tôi mới nhớ ra, Xảo Thư, đó chẳng phải con gái của Vương Hy Phượng trong Hồng Lâu Mộng sao?
May sao gặp được ân nhân
Là nhờ dư phúc nương thân đó mà
Âm công vun lấy phúc nhà
Hết lòng cứu giúp người ta khi nghèo
Anh gian, cậu ác chớ theo
Nhãng tình máu mủ, chỉ yêu bạc tiền
Có trời báo ứng ở trên.
(Khúc 11 trong Hồng Lâu Mộng – Bản dịch của nhóm Bội Vũ Hoàng)
Xảo Thư sinh ngày mùng Bảy tháng Bảy, một ngày xấu, cho nên già Lưu đặt tên cho nàng là Xảo Thư, hòng lấy độc trị độc, hi vọng cái tên này có thể trấn áp được vận xui.
Vì sao tôi tên là Thất Xảo? Đương nhiên không phải vì sinh ngày bùng Bảy tháng Bảy như Xảo Thư rồi. Mẹ tôi thích chơi trò Tangram*, thích đến nỗi vào phòng sinh vẫn mang theo một bộ để chơi. Sau đó nghe y tá nói mẹ tôi đã hạ sinh một bé gái, bà liền gật đầu, thốt lên: “Vậy gọi là Thất Xảo đi!”
(*Trò chơi xếp hình xưa của Trung Hoa với bảy miếng gỗ )
Tôi so ra thì kém xa Xảo Thư trong Hồng Lâu Mộng, bởi vì tôi không có anh trai, mẹ tôi cũng không có anh trai, đương nhiên không có ‘cậu độc ác, anh hung bạo’. Nhưng mà nghĩ lại thì số mệnh tôi cũng chẳng tốt hơn Xảo Thư là bao. Xảo Thư chí ít lúc nhỏ cũng được sống mấy năm vinh hoa phú quý, còn tôi do mẹ một tay nuôi nấng, cuộc đời như đám bèo trôi dạt. Đó là quãng thời gian khổ cực nhất, thậm chí còn không trả nổi tiền thuê nhà.
Có điều, lúc xui xẻo nhất, tôi đã được Tô Duyệt Sinh cứu giúp, cũng giống như già Lưu đã cứu vớt Xảo Thư. So sánh Tô Duyệt Sinh với già Lưu, đúng thật là một chuyện khôi hài.
Hồi học cấp 2, tôi có một cô bạn tên Trần Minh Lệ học ngữ văn rất giỏi. Cô nàng vô cùng thích Trương Ái Linh, suốt ngày ghi ghi chép chép mấy câu trích dẫn của Trương Ái Linh, còn lấy tên tôi ra đùa cợt. Trong tiểu thuyết Kim tỏa ký của Trương Ái Linh có một nhân vật tên Tào Thất Xảo, thế nên Trần Minh Lệ lúc nào cũng trêu chọc tôi, nói nhà Tào Thất Xảo bán dầu mè, còn nhà tôi mở thẩm mỹ viện, đúng là rất giống. Tôi nhận ra thái độ khinh miệt trong giọng nói của Trần Minh Lệ, thẩm mỹ viện còn không bằng cửa hàng dầu mè. Lực học của tôi ngày ấy rất kém, lại cả ngày chơi với đám con trai, hễ tan học là cùng tụi nó đi chơi game ở cửa hàng cuối phố. Ngôi trường tôi học không phải tốt nhất nhưng cũng có thể xếp vào hạng hai. Gần trường tôi có một trường trung cấp điện tử, học sinh nam nghịch ngợm khét tiếng, thường xuyên lượn lờ trước cổng trường tôi để trấn lột tiền tiêu vặt của bọn con trai, hay huýt sáo trêu đùa đám con gái. Có hôm tan học muộn, tôi trông thấy Trần Minh Lệ bị mấy đứa con trai trong trường trung cấp điện tử vây quanh trêu chọc. Cô nàng khóc nức nở. Hóa ra có một tên khốn khiếp tới gần vén váy Trần Minh Lệ, bị cô ấy chửi là đồ lưu manh, sau đó bọn chúng kéo bè kéo hội đến vây quanh Trần Minh Lệ, còn động chân động tay.
Đám con trai trường tôi thấy vậy chỉ lặng lẽ chuồn đi, tôi nhất thời căm phẫn, nhặt một hòn gạch ném về phía bọn chúng.
Chuyện này sau đó được đồn đại rất sinh động, người ta miêu tả tôi chẳng khác nào một nữ hiệp, rằng tôi cầm gạch trong tay, một chọi bảy, khiến cả đám con trai chạy bán sống bán chết. Thực ra đâu có khoa trương đến thế! Đám người kia chỉ có năm tên, tôi ném gạch vào một tên khiến gã máu me bê bết, sau đó xông lên đá một tên khác khiễn gã ngã lăn quay, kêu gào ầm ĩ. Thế là những tên còn lại sợ quá tự động bỏ chạy. Tôi nổi như cồn sau một trận đánh nhau, bắt đầu được gắn biệt danh ‘Thập tam Muội’, mọi người nói trong trường có mười hai thằng con trai đánh nhau giỏi nhất, tôi hay chơi cùng họ nên trở thành người thứ mười ba. Dần dà, biệt danh này cũng biến mất, lên cấp ba, các bạn nữ đều kính nể gọi tôi là ‘chị Thất’.
Tôi vào được cấp ba là nhờ chạy tiền. Khi đó, mẹ tôi quen được một người đàn ông giàu có, việc làm ăn của thẩm mỹ viện trở nên phát đạt. Thậm chí mẹ còn đổi sang dùng một chiếc BMW, mua vài căn nhà lớn. Tôi bỗng chốc trở thành con gái nhà giàu. Vợ của thầy hiệu trưởng thường xuyên đến thẩm mỹ viện của mẹ tôi để tân trang nhan sắc, mẹ tôi nhờ cậy bà ta, đồng thời đưa tiền chạy chọt, vì thế tôi nghiễm nhiên được bước chân vào trường cấp ba tốt nhất vùng.
Nếu không học ở ngôi trường ấy, có lẽ tôi đã không có cơ hội gặp gỡ Trình Tử Lương. Anh ta được mời về trường diễn thuyết với tư cách là cựu học sinh xuất sắc. Tôi và đám bạn học ngồi trong hội trường, say sưa ngắm nhìn anh ta.
Chàng bạch mã hoàng tử trong mộng của nữ sinh cả trường có lẽ chính là một người như vậy: tuấn tú lịch lãm, phong độ có thừa, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, sinh viên của trường đại học lừng lẫy Ivy League, gia đình thế lực.
Trần Minh Lệ khi ấy đã trở thành bạn thân của tôi. Từ sau cái lần được tôi giải cứu, cô nàng liền coi tôi như chị em ruột, thường xuyên giúp tôi làm bài tập toán. Cô nàng đã phải học ngày học đêm để thi được vào trường cấp ba này, vì thế rất ‘ngứa mắt’ với thái độ học nửa vời của tôi, lúc nào cũng cưỡng ép tôi học hành nghiêm túc.
Xem tiếp: Chương 7: Chương 2.2