Đừng Nhắc Em Nhớ Lại Chương 3: Chương 1.3
Chương trước: Chương 2: Chương 1.2
Vùng núi yên tĩnh nhất là vào ban đêm, ngước lên là trông thấy cả một bầu trời dày đặc sao. Chúng tôi ngồi trong sân nói chuyện phiếm, mẹ A Mãn hái một đĩa sơn trà to cho tôi.
“A Mãn cũng gần ba mươi đền nơi rồi.” Bà buồn rầu nói: “Mà chẳng thấy nó đưa cô gái nào về cả. Cô Trâu là cấp trên của nó, cô để ý giúp tôi việc này với nhé!”
Suýt chút nữa tôi nghẹn quả sơn trà trong cổ họng. Tôi cười gượng: “Được ạ, được ạ, cháu sẽ giới thiệu một cô cho anh ấy.”
Suốt ngày bị người khác gọi là ‘cô Trâu’, ‘sếp Trâu’, ngay cả A Mãn đôi khi cũng lễ độ gọi tôi một tiếng ‘chị Trâu’, làm tôi quên mất rằng mình còn kém cả tuổi anh ta.
Tôi đi nằm từ sớm và ngủ một giấc say sưa không mộng mị. Hôm sau, tôi bị tiếng chim ríu rít trong rừng đánh thức từ tờ mờ sáng. Rèm cửa sổ bằng vảo bông trắng tinh được bác gái giặt sạch sẽ. Tôi nhìn qua mép rèm, sắc trời mỗi lúc một sáng rõ. Tiếng chim hót thưa dần, thay vào đó là tiếng gà trống gáy như thể đồng hồ báo thức.
Tô Duyệt Sinh gọi điện đến lúc tôi đang ở ngoài vườn ngắt đậu răng ngựa với bác gái. Đậu răng ngựa mùa này là ngon nhất, xào lên vừa xốp vừa mềm, chậm rãi tan vào trong miệng, để già thêm mấy hôm nữa thì chỉ có thể làm món đậu ngũ vị. Đang hí hửng bẻ những quả đậu còn dính sương mai thì chuông điện thoại reo, Tô Duyệt Sinh gọi về, tôi không thể không nghe. May mà sóng di động ở đây khá tốt nên âm thanh không bị đứt quãng. Anh hỏi tôi đang ở đâu, tôi không dám nói dối.
“Một mình chạy lên núi làm gì thế?” Tô Duyệt Sinh lại hỏi.
Tôi thành thật nói với anh: “Dì anh đến, em nhàn rỗi chẳng biết làm gì nên tới đây thưởng thức vài món trến núi.”
Không thể gọi mẹ kế của Tô Duyệt Sinh là ‘bác Tô’ , tôi luôn ghi nhớ việc này trong đầu để tránh phát ngôn sai.
Tô Duyệt Sinh châm chọc tôi: “Hóa ra em chỉ được đến vậy thôi à? Bà ta làm gì mà em phải sợ thế?”
Tôi không trả lời. Tô Duyệt Sinh biết nỗi bất hạnh của tôi là do những kẻ thuộc hạ của bà Tô gây ra, àm anh thì luôn thích chống đối mẹ kế, vì vậy anh mới ra tay cứu vớt tôi. Nếu không nhờ anh, có lẽ tôi đã nát nhừ trong cái cống ngầm nào đó từ lâu rồi. Người nhà họ Tô tính tình đều kỳ quặc, Tô Duyệt Sinh chưa bao giờ chấp nhận mẹ kế là một thành viên trong gia đình, nhưng dù thế tôi cũng không thể đắc tội với bà ta.
Tôi báo cáo với Tô Duyệt Sinh tình hình của Hướng Tinh, tôi đã giao nhiệm vụ cho A Mãn chăm sóc cô ấy. A Mãn làm việc cẩn thận, Tô Duyệt Sinh hẳn là nên yên tâm. Quả nhiên, anh không hề có ý kiến gì khác, chỉ nói thêm: “Chắc thứ Năm tuần sau anh mới về được.”
Chẳng mấy khi Tô Duyệt Sinh tiết lộ hành tung của mình cho người khác, tôi ngẩn ra một lát rồi mới hiểu, vội vàng lên tiếng: “Em sẽ nói với Hướng Tinh.”
Tâm trạng Tô Duyệt Sinh có vẻ rất tốt, nói bang quơ vài chuyện mới cúp máy.
Tôi tưởng sẽ được ở đây thư giãn vài hôm, vậy mà ngay buổi chiều lại xảy ra chuyện. A Mãn gọi điện báo cho tôi biết Hướng Tinh bại taxi đụng phải ở cổng trường, thế là tôi phải cấp tốc lái xe về thành phố.
Đúng vào giờ cao điểm, thời tiết ngột ngạt, mây đen giăng kín khiến cả cánh rừng chìm vào âm u. Có vẻ sắp mưa to, mới sáu, bảy giờ tối mà trời trông như đã nửa đêm. Xe cộ bật đèn, nối đuôi nhau nhích từng chút một trên cây cầu vượt song.
Tôi lái chiếc mui trần, dọc đường thấp thỏm lo mưa, cuối cùng cũng đến bệnh viện. Hầm để xe đã kín chỗ, tôi phải nịnh nọt bảo vệ mãi, anh ta mới đồng ý cho tôi đánh xe vào bãi dành cho nhân viên. Anh ta chỉ vào một chỗ còn trống vào bảo đó là chỗ để xe của chủ nhiệm, mấy ngày nay chủ nhiệm đi công tác nên tôi có thể tạm thời để xe ở đó.
Tôi rối rít cảm ơn rồi chạy tới khu bệnh xá.
Tô Duyệt Sinh từng nói kháy tôi rằng, trong số những cố gái anh từng gặp, tôi là người duy nhất có khă năng chạy như bay với đôi giày cao gót mười phân. Tôi cười đáp: “Những cố gái đi được giày cao gót mười phân đều có khả năng chạy như bay, chẳng qua họ phải giả vờ yểu điệu thục nữ trước mặt anh, còn em không cần giả vờ nên anh mới có cơ hội trông thấy.”
Trước cửa thang máy có một hàng dài đang đứng đợi, tôi quyết định đi thang bộ, đằng nào cũng chỉ có 5 tầng.
Tới tầng hai, bỗng nhiên tôi nghe ‘đoàng’ một tiếng, tia chớp lóe lên bên ngoài ô cửa sổ hành lang làm tôi hết hồn. Mưa rơi xối xả, sấm giật từng cơn. Lối thoát hiểm vốn ít người qua lại, lúc này đây chỉ có một mình tôi ở đây, vài ngọn đèn hiếm hoi bị ảnh hưởng bởi sấm chớp nên vụt tắt vụt sáng, ánh sáng lập lòe khiến tôi nghĩ đến những bộ phim kinh dị. Tôi đè nén nỗi sợ hãi, khẽ ngâm nga hát vài câu. Mỗi lần sợ là tôi lại hát, có lẽ đó là thói quen từ khi còn bé. Ngày ấy, mẹ tôi bận rộn với công việc ở thẩm mỹ viện, thường xuyên để tôi ở nhà một mình và khóa trái cửa. Nửa đêm tỉnh giấc, tôi sợ muốn chết, nên hay tự hát ru mình, rồi từ đó đến giờ vẫn giữ thói quen này.
Tôi cũng không biết mình hát luyên thuyên cái gì, leo cầu thang mệt đứt hơi, thở còn chẳng thở nổi, huống hồ là hát. Lên tới tầng bốn, tôi phát hiện có người ngồi ở bậc thang. Đúng lúc này, sấm lại nổ rền, ánh đèn vụt tắt, tôi chỉ trông thấy cái bóng lờ mờ trong góc tối. Lấy hết can đảm, tôi ho khan một tiếng, đèn cảm ứng âm thanh vẫn không sáng. Tôi vỗ tay hai cái. Vẫn là bóng tối đen kịt. Có lẽ đèn cảm ứng bị hỏng. Một tia chớp lóe lên đúng lúc, làm sáng bừng cầu thang trong giây lát, dường như tôi đã trông thấy một gương mặt quen thuộc.
“Gió là em, mưa là em, mưa gió ngọc ngà đều là em.”
Năm xưa, Trương Ái Linh viết về Hồ Lan Thành như thế này: “Anh ấy ngồi một mình trên sô pha, căn phòng tĩnh lặng như chìm sâu trong cát vàng, ngoài kia mưa gió lung linh như ngọc, bạt ngàn san dã đều là ngày hôm nay.” Khi ấy, tôi vẫn là một thiếu nữ hay văn thơ nên đã thuộc nằm lòng câu này. Một ngày mưa dông, Trình Tử Lương mắc kẹt ở phi trường vì chuyến bay bị hủy, tôi và anh cách nhau cả ngàn cây số, không thể gặp mặt. Chúng tôi nói chuyện qua điện thoại xong lại nhắn tin. Tôi đã cẩn thận bấm từng câu văn của Trương Ái Linh và gửi cho anh, sau đó, anh trả lời tôi bằng mười ba chữ kia.
Không còn chớp, nhưng thỉnh thoảng vẫn có tiếng sấm, cầu thang tối đen như mực. Tôi tự khinh bỉ chính mình, mọi chuyện đã qua lâu rồi mà vẫn cảm thấy có người giống Trình Tử Lương. Khi chúng tôi vừa mới hẹn hò, đi trên đường hễ bắt gặp ai có nét hao hao giống anh, tôi lại bất giác nhìn trộm đối phương. Thiếu nữ ôm mơ mộng mà, huống hồ đó còn là mối tình đầu của tôi.
Người ta nói tình đầu khó quên, tôi cho rằng đó cũng là bởi hiện tượng ghi dấu ấn, lần đầu tiên yêu đã hình thành định nghĩa của đau đớn, tổn thương, của ngọt ngào, chua xót. Trên mạng có một tấm ảnh rất nổi tiếng, bà lão bán quýt ngồi bên cạnh tấm bảng viết mấy chữ nguệch ngoạc: ngọt hơn mối tình đầu. Thế nhưng , liệu rằng có mấy ai được trải nghiệm một tình yêu đầu ngọt ngào, thuần khiết?
Người đàn ông này cũng thật lạ, một mình ngồi ở cầu thang tối om, chẳng lẽ anh ta gặp phải chuyện gì buồn? Nghe đâu trong bệnh viện có rất nhiều người nhảy lầu, các ô cửa sổ đều được hàn chặt, độ rộng khi mở là hữu hạn. Không biết anh ta là bệnh nhân hay người nhà của bệnh nhân, có chuyện gì phiền muộn mà ra đây ngồi?
Tôi vừa đi vừa phân vân không biết có nên nhiều chuyện khuyên nhủ đối phương hay không, leo thêm mấy chục bậc nữa là tới tầng năm rồi.
Đột nhiên người đàn ông kia cất giọng rõ ràng: “Thất Xảo?”
Tôi khựng lại.
Bên ngoài vẫn sấm chớp mưa dông, anh ta cũng đang sững sờ ở đó, một lúc lâu sau mới lại lên tiếng: “Thực sự là em?”
Giọng nói của anh ta rất nhẹ, cơ hồ bị gián đoạn giữa tiếng mưa gió gào rít. Chỉ có bốn chữ không hề chân thực, tôi có cam rgiacs như đang nằm mơ vậy. Không, đây tuyệt đối không phải một giấc mơ, tôi chưa bao giờ mơ thấy Trình Tử Lương.
Giữa tôi và Trình Tử Lương không có gì để nói, từ sau khi xích mích, chúng tôi chưa gặp lại nhau. Cũng đã lâu lắm rồi, giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy mơ hồ, năm đó anh ta đã nói những lời cay nghiệt với tôi, tôi cũng đáp trả không kém. Tình yêu quả thực là một thứ kỳ lạ, có lẽ đến phút cuối, mọi người đều biến nó thành một lưỡi dao, đâm đối phương đến hấp hối.
Xem tiếp: Chương 4: Chương 1.4