Mật Mã Maya Chương 03 - Part 02
Chương trước: Chương 03 - Part 01
Chương 3
Cô ta dẫn tôi vào một phòng đợi sàn lát màu đen và những chiếc sô-pha Djinn màu xanh lá cây, giống hệt tấm phim âm bản của một cảnh trong phim 2001. Từ đấy, hai chúng tôi đi tiếp đến một khu vực giống như một sàn giao dịch với những nhân viên mặt mũi tươi tỉnh ngồi trong những khoang làm việc bằng kính hoàn toàn riêng biệt, có những chiếc máy bán cà phê và đồ ăn nhẹ cùng những gói gia vị nho nhỏ, những chiếc máy pha cà phê Capresso, những hình nộm Sub-Zero (Nhân vật trong một trò chơi điện tử) bé xíu đeo trên ngực những dòng chữ kiểu như SữA RAU DềN ĐÂY. Chúng tôi bước vào một khu có trải thảm, cô gái lễ tân liếc vào qua cánh cửa khép hờ. Người ngồi bên trong chắc đã vẫy tay gọi nên cô ta đưa tôi vào.
Marena Park ngồi khoanh chân vòng tròn trên mặt bàn làm việc, mắt nhìn vào một màn hình máy tính xách tay màu xanh rộng đặt trên lòng. Đó là một kiểu máy hiện đại có khả năng cảm nhận từ xa chuyển động của tay người sử dụng, cô ta đang dùng ngón tay vẽ vẽ thứ gì đó trong không khí bên ngoài màn hình. Trông cô ta nhỏ nhắn hơn trong ảnh, thấp hơn tôi ít nhất một cái đầu, khiến cô ta có dáng dấp của một cô gái mới lớn. Khuôn mặt nhìn tèn tẹt và đặc Hàn Quốc hơn lúc đã trang điểm, nhưng tôi lại nghĩ thực ra thế này nom hấp dẫn hơn, một “khuôn mặt như trăng rằm” đúng như cách nói trong cuốn Nghìn lẻ một đêm. Cô ta vận một bộ quần áo xếp nếp bằng xám hiệu Issey Miyake thiết kế theo lối trang phục trượt tuyết, như thể cô ta đến từ một thế giới tương lai nào đó sang trọng và rất thể thao. Cô ta giơ một ngón tay ra hiệu chờ một lát. Tôi đảo mắt nhìn quanh căn phòng. Có một chiếc bể 125 ga-lông gắn vào trong tường, nuôi cá vàng đỏ Monsanto giống mới. Tôi cố kìm một cái cười khẩy lộ liễu khi nhìn thấy chúng. Những con cá này miễn dịch rất kém do bị lai cùng dòng, chỉ cần anh gõ vào mặt kính hai lần là đủ để chúng nhiễm nấm đầu. Dưới sàn nhà, sát chân bàn làm việc, có một bàn cờ vây làm từ gỗ katsura xẻ xiên khá dày, hai chiếc bát cổ màu dâu chín cũ kỹ có lẽ đã từng đựng một bộ quân cờ vây màu hồng nay không đâu còn nữa. Nếu thế thật, bộ quân cờ ấy phải đáng giá hàng trăm ngàn đô la Mỹ. Khuôn cửa sổ phía sau bàn làm việc hướng ra đằng tây bắc và tôi có thể nhìn thấy quả cầu Epcot (Biểu tượng trong khu giải trí Epcot nằm trong khu giải trí Disney World tại Orlando) khổng lồ đang lơ lửng bên trên đám lá cây màu xanh lục giống như một quả bóng đá cũ nổi trên mặt ao phủ đầy rong rêu. Marena ngẩng đầu lên.
- Xin chào, anh chờ một tích tắc nữa nhé, - cô ta nói. Giọng cô ta nhỏ nhưng không cao, nghe như giọng những tay jo-kê (Người đua ngựa) nam. Im lặng một chốc.
- Thế thì dịch nó sang tiếng Phạn hay bất kể cái thứ tiếng chết tiệt nào họ nói ở đấy đi, có gì đâu mà nhặng lên thế?
Phải mất một giây sau tôi mới hiểu ra là ở một bên tai cô ta có gắn tai nghe. Tôi không ngồi xuống. Tôi nhận thấy quả tim đang đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi giúi hai tay vào túi quần và lại gần xem một cái giá đồ chơi treo trên vách tường phía đông. Đồ vật lớn nhất và đáng chú ý nhất trên giá là một chiếc đồng hồ cách điệu bằng đồng thau, nom có vẻ như được chế tạo từ những năm 1950. Nó có năm bánh xe quay luân phiên, bốn trong số đó chạy theo lịch Maya, còn chiếc lớn nhất ở ngoài cùng thì chậm rãi điểm giờ theo lịch Gregori (Tức là Tây lịch vẫn dùng hiện nay), suốt từ năm 3113 trước Công nguyên cho tới ngày 21 tháng 12 năm 2012. Còn có một vòng tròn những biểu tượng chạm khắc, nhưng trông chẳng giống cái gì cả. Chắc chỉ là tác phẩm tưởng tượng của ai đó. Ngay bên cạnh có một chiếc đồng hồ khác, nhỏ hơn với mặt kính hình tam giác biểu tượng của hội tam điểm, trên đó ghi: “Waltham/17 Jewels/ Hãy yêu thương đồng loại” và rằng bây giờ là “bùa” giờ, “bay” phút; những vật còn lại trên giá đều là các giải thưởng: những chiếc cúp bạc nhỏ của môn cờ vây và leo núi, hai cúp Webby, một giải thưởng World Shareware, một đống giải thưởng E3 Game Critics, hai chiếc cúp thuỷ tinh hình kim tự tháp khẳng khiu của Viện khoa học và Nghệ thuật Giải trí tương tác cùng vô khối giải thưởng khác mà chẳng ai biết tới, và tít sâu bên trong cùng, như thể cô ta không muốn tỏ ra quan tâm đến, là bức tượng Oscar trong trang phục của Neo – Teo nhỏ bằng một phần sáu nhân vật thật, nó đứng kiêu hãnh như đức Jesu trước sự ngưỡng mộ của các Nephite (Những hậu duệ của nhà tiên tri Nephi theo kinh thánh Mormon). Cô ta cũng giống mình ư, - tôi tự hỏi. Giống một phần nhỏ trong tôi, bá chủ của thế giới này? Tôi ước sao có ai đó để cảm ơn. Ờ, tôi nghĩ tôi sẽ cảm ơn quỷ Sa-tăng, hẳn đã cho tôi bán linh hồn để đổi lấy giây phút này. Trên khoảng tường phía trên cái giá là một bức vẽ của trẻ con được quấn dải băng, họa hình ông già Nô-en tay cầm một chiếc điều khiển từ xa to kềnh, điều khiển một dàn tuần luộc rô-bốt, nó che khuất một phần tấm ảnh lồng khung của Park, đang dùng ngón chân bám vào gờ đá granite màu vàng, đu đưa trong tư thế lộn ngược đầu, cô ta hẳn có những ngón chân có thể cầm nắm. Dòng chữ bên dưới tấm ảnh viết: Cuộc thi leo núi sô-lô “Chữ thập ngoặc sô-cô-la”, Hallam View Buttress, Gritstone, ngày 14 tháng 9 năm 2009. Tiếp đến là một tấm ảnh đóng khung nhỏ hơn rất nhiều, chụp bằng máy Kodak từ những năm 50, quá thiên về màu xanh nước biển và nâu đỏ, trong ảnh là một người Hàn Quốc trẻ, khuôn mặt đầy nhiệt huyết, mặc trang phục phi công của hải quân Hoa Kỳ, đứng khoác tay một vị đại tướng trông quen quen, họ đứng trước một chiếc B-29 (Một loại máy bay Boeing) bụi bậm màu nâu đỏ sậm với dòng chữ Tất cả hoặc không gì cả sơn trên mũi. Một dòng chữ viết tay nguệch ngoạc trên góc trái tấm ảnh đề: Tặng Pak Jung - Cảm ơn sự phục vụ của anh trong chiến dịch "Cao hơn và Xa hơn". Tổng tư lệnh các lực lượng đồng minh, Tướng Douglas C. MacArthur, Kadena, ngày 27 tháng 12 năm 1951.
- Được, - Marena nói với khoảng không. Im lặng. - Tạm biệt.
Cô ta hướng mắt vào tôi.
- Chào anh.
Cô ta vẫn không đứng lên. Thường thì tôi lấy làm mừng vì người ta không hay bắt tay nữa, nhưng lần này tôi lại không phiền nếu tiếp xúc tay chân một tẹo. Tôi đáp lại: xin chào. Tôi phân vân không biết có nên giới thiệu mình là ai không, mặc dù cô ta biết rồi. Tôi quyết định không.
- Taro thực sự nghĩ anh là người giỏi nhất đấy, - Marena nói.
- Tôi rất lấy làm phấn khởi.
- Tôi cá là anh biết chơi cờ vây, phải vậy không?
Tôi gật đầu. Có lẽ cô ta đã thấy tôi nhìn bộ bàn cờ. Thật lạ lùng là người ta luôn có thể đoán biết được tôi. Từ trước đến giờ tôi luôn có cảm giác đang sống trên một hành tinh của những người có khả năng ngoại cảm. Cố nhiên, có thể đó là do chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương mà người ta giả định là tôi mắc phải.
- Anh ở cấp nào? – Cô ta hỏi.
- Ở lục đẳng. Nghiệp dư thôi.
- Ác thật, - cô ta đáp. – Tôi mới ngũ đẳng thôi. Lúc nào đó ta phải làm một ván mới được.
- Được lắm, - tôi đáp.
Ngũ đẳng thực ra là một thành tích khá ấn tượng rồi, nhất là vì hầu hết dân trong ngành công nghiệp giải trí đều khó chơi qua nổi dù chỉ một ván Cootie (Một trò chơi đơn giản của trẻ em). Ở Châu Á, cờ vây được coi không khác gì một môn võ và đẳng thì tương tự như đai. Một người chơi cờ vây lục đẳng cũng tương đương với đai đen lục đẳng trong võ thuật. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa là gì so với dân chơi cờ vây chuyên nghiệp. Nhưng dù sao, lục đẳng vẫn đứng trên ngũ đẳng một bậc và vẫn đủ để anh có một ván cờ nhiều lợi thế. Cô ta và tôi sẽ chơi thâu đêm trong căn phòng trải chiếu trúc của cô ta, và khi tôi tỏ ý xin lỗi vì lại thắng thêm bảy mươi mốt điểm rưỡi nữa, cô ta liền đẩy bàn cờ sang một bên và nắm lấy...
- Setzen Sie sich (Mời anh ngồi - tiếng Đức), - cô ta nói.
Tôi ngồi xuống. Cái ghế nhìn thì có vẻ cứng nhưng nó lún xuống khi tôi ngồi và tự xoay cho vừa với người tôi, vì thế hai chân tôi bị hẫng mất một giây. Rõ đồ nhà quê.
- Này, tôi là một người hâm mộ cuồng nhiệt đấy, - tôi nói, - tôi chơi trò chơi của cô suốt.
- Vậy sao? Cảm ơn anh. Anh lên tới trình nào rồi?
- À, ba mươi hai
- Vậy là rất cừ đấy.
- Cảm ơn cô.
Mặc dầu đó là sản phẩm của cô ta, nhưng tôi vẫn ngượng ngùng khi thú nhận rằng tôi đã đốt quá nhiều thời gian vào trò đó.
- Vấn đề là, - cô ta nói, - tuy đấy là sản phẩm của tôi nhưng tôi thực ra cũng chẳng hiểu gì về Maya cổ.
Đừng đùa, - tôi nghĩ.
- Có khi tự anh cũng nhận thấy điều đó khi chơi rồi, - cô ta nói, chặn trước được ý nghĩ của tôi.
- Ừm ...
- Nó cũng tạm được, nhưng chỉ là theo trí tưởng tượng thôi. Tôi biết nó không chính xác về mặt lịch sử.
- Đúng vậy, - tôi đáp.
Tôi nhận ra mình vẫn chưa bỏ mũ. Chết tiệt. Tôi đội thứ này ở những nơi mà để đầu trần thì nom kì cục, nhưng khi vào trong nhà rồi tôi lại quên không cởi ra. Tốt hơn là bỏ nó ra thôi, tôi tự nhủ. Không, quá muộn rồi. Nhưng cô ta sẽ nghĩ mình hơi quái gở về chuyện mũ mão, phải không? Không, đừng làm thế. Đấy là phong cách của mình. Phong cách đội mũ. Cứ thoải mái đi. Được chứ? Bueno (tiếng Tây Ban Nha). Vậy là ngài Mũ vẫn ở lại.
- Anh nói tiếng Mayan từ nhỏ phải không? – Marena hỏi.
- Phải, - tôi bỏ mũ ra. - Thực ra, ngôn ngữ đó ở chỗ tôi gọi là Ch’olan.
- Taro nói anh quê ở Alta Verapaz.
- Đúng thế.
- Anh có từng nghe về những phế tích ở đó không, ừm, quanh Kabon ấy?
- Xin lỗi? ở đâu kia? Río Cahabôn chăng?
- Đúng nó đấy, Michael đã kể về một khúc quanh của con sông nào đó.
- Hạ lưu Tozal phải không?
- Nghe có vẻ giống thế.
- Khắp vùng đó đều có phế tích, - tôi nói. - Người ta vẫn biết những quả đồi ở đó không phải đồi tự nhiên. Các ông chú, ông bác tôi thường kể cho chúng tôi rằng những người lùn đã xây dựng nên chúng trước trận Đại hồng thủy.
- Những người lùn nào vậy?
- Chỉ là, cô biết đấy, những người lùn có phép ấy mà, người bùn, người đá cuội hay những gỉ những gì đó đại loại vậy. Tôi thường hình dung đó là những gã lùn to béo, có giọng nói choe choé và, như kiểu, đầu to ấy.
- Ồ, tôi hiểu rồi.
- Sao cô hỏi tôi chuyện đó? Cô biết vùng ấy chứ?
- Tôi biết trên bản đồ thôi. Nhưng Michael đã từng thử xin phép khai quật các lăng mộ cổ trước khi cái đập nước được xây dựng và xé nát cả vùng ấy.
- Ừm, điều đó cũng tốt...
- Anh biết không, có lẽ tôi không nên nói điều này, nhưng nhìn anh chẳng giống người da đỏ bản xứ lắm.
- Không sao đâu, tôi hiểu ý cô mà. Người Maya có ngoại hình không giống người Navajo (Một tộc người bản xứ châu Mỹ) hay các tộc người khác. Thậm chí có lúc người ta còn nhầm chúng tôi với người Đông Nam Á.
- Anh không giống người châu Á đâu. Cũng không giống Mỹ La tinh.
Cô ta mỉm cười để tỏ ý câu chuyện vừa rồi chỉ là chuyện gẫu tầm phào thôi, như thể cô ta sợ mình có vẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng điều đó quả đúng, trông tôi đúng là không giống ai. Người Maya thường có xu hướng thấp và mập mạp, nhưng tôi lại hao hao giống người lai Tây Ban Nha, nhờ tất cả lượng can-xi mà tôi đã hấp thụ ở Utah nên trái với thông thường, cơ thể tôi không hề thiếu chất lactose, và tôi đã đặt chân xuống một hành tinh nơi mà sữa là thứ đồ uống duy nhất được chấp nhận nên tôi cao vọt lên tới năm feet rưỡi (Khoảng 1m80), cao hơn những người trong họ nhà tôi tới một cái đầu. Hiện giờ tôi nặng khoảng 135 pound (khoảng gần 62kg), cho nên tôi không thể mua đồ ở khu Huaky vì đồ ở đó làm mặt tôi càng dài nhẵng ra. Một người Maya chính gốc thường có khuôn mặt rộng, nhìn nghiêng có nét như chim diều hâu còn nhìn thẳng thì như chim cú. Nhưng tôi lại nhang nhác như người miền nhiệt đới. Lắm khi người ta nghe tên họ tôi rồi hỏi có phải tôi đến từ Philippine không, Sylvana, bạn gái cũ của tôi, thường nói mái tóc dài mà tôi để khiến tôi nom giống một bản sao xấu xí của Keanu Reeves trong phim Tiểu Phật. Tôi định kể tất cả những chuyện này cho Marena nhưng lại thôi. Vì chúa, hãy giữ lại một chút bí mật ình đi.
Nếu mình im lặng, có khi cô ta lại quan tâm một tí.
- Anh không thấy trò Ix game chướng quá đấy chứ, phải không? - Cô ta hỏi.
- Ồ, không đâu...
- Tôi e là chúng tôi đã xây dựng các nhân vật Maya hơi quá, anh biết đấy, ờ...
- Man rợ?
- Đúng đấy.
- Ừm ..., - tôi đáp, - ít ra thì cô cũng không làm họ thành ra đáng yêu.
- Không.
- Dù sao tôi cũng nghĩ vào thời đó tất cả đều man rợ.
- Phải, người ta móc tim và đại loại những chuyện tương tự.
- Thực ra người Maya không làm thế, - tôi đáp, - ý tôi là, đến giờ chưa ai biết là họ từng làm thế.
- Thật vậy sao?
- Có thể là sau này, vào khoảng thế kỷ mười bốn chẳng hạn, nhưng vào thời cổ Maya thì không. Câu chuyện về tim gan ấy là của người vùng Mexico thì đúng hơn.
- Ồ, tôi xin lỗi. Nhưng họ vẫn có tục ăn thịt người và những chuyện tương tự khác chứ, đúng không?
- Tôi không rõ, - tôi trả lời, - có lẽ đó chỉ là do người Tây Ban Nha phao tin lên vậy thôi. Đúng là họ có hiến tế người vào một số dịp. Nhưng họ có ăn thịt hay không thì không rõ.
- Ồ, tôi xin lỗi.
- Vả lại, nếu có thế thật thì có gì mà to chuyện? ý tôi là vào thời điểm đó, ăn thịt người là chuyện phổ biến, như đánh gôn thôi mà.
- Hà, dĩ nhiên.
- Cô cũng biết đấy, ngay cả ở Anh, bài thuốc ăn thịt người chữa bệnh còn tồn tại đến tận thế kỷ mười chín cơ mà.
- Như kiểu bụi xác ướp à?
- Đúng thế, và còn nữa, ví dụ họ nghĩ máu của những người bị chết đau đớn có thể chữa được chứng động kinh chẳng hạn, hoặc như ở Lincoln’s Inn Fields, các dược sĩ đã từng lấy máu người vừa bị treo cổ, đem pha loãng đi và hoà lẫn với cồn, và cô có thể mua thứ ấy ở quầy thuốc Harris.
- Thật kinh khủng.
- Vâng, và bây giờ, ở đâu đó vẫn còn vài kiểu gọi là, ờ, giáo phái đồng thuận ăn thịt người Cơ đốc hoá, nó được gọi là Giáo hội của cộng đồng giáo hữu cực phàm tục hay gì gì đó.
- Oa, đúng, đúng, đúng, tôi đã nghe về chuyện đó, Hừm, có khi đó chỉ là một kiểu giảm béo kỳ cục nào đấy thôi.
- Có thể.
- Nhưng tôi nghĩ anh nói đúng, chuyện đó chẳng có gì mà to chuyện. Ý tôi là, tôi cũng ăn nhau thai của mình mà.
Câu đó làm tôi im bặt
- Xin lỗi, chuyện đó làm anh khó chịu à? – cô ta hỏi.
- Ừm ...
- À, - cô ta nói, - Taro kể rằng anh biết về thiên văn.
- Vậy sao?
- Phải.
- Ông ta có kể tôi biết dùng miệng bắt đĩa bay đồ chơi không?
- Ôi, thôi nào. Hãy chiều tôi một lần đi.
- Thôi được, cô chọn một ngày đi.
- Ngày gì? – Cô ta hỏi lại.
- Ngày gì cũng được.
- Được thôi, ờ, ngày 29 tháng 2, ừm, năm 2594.
- Năm ấy không phải năm nhuận.
- Được rồi, thế ngày 28 tháng hai thì sao?
- Đó là ngày thứ sáu.
- Anh chỉ đùa tôi thôi.
- Thật mà
- Thật á?
- Phải. Còn nữa, tôi có thể nói thêm với cô là vào ngày hôm đó, mặt trời, cứ cho là vẫn còn, sẽ mọc vào lúc sáu giờ năm mươi phút sáng. Giờ EST (Múi giờ chuẩn ở khu vực phía Đông nước Mỹ). Mặt trời sẽ lặn vào khoảng sáu giờ hai mươi tư phút chiều.
- Phải rồi, - Marena nói, - và tôi là Anastasia Romanov (Công chúa của vị Sa Hoàng cuối cùng).
- Gượm hẵng, vẫn còn nữa. Vào ngày đó, sao Kim sẽ mọc vào lúc tám giờ năm mươi bảy phút sáng - mặc dù đương nhiên cô sẽ không nhìn thấy nó – và lặn lúc chín giờ năm mươi sáu phút tối. Ý tôi là ở múi giờ này. Còn sao Thổ sẽ mọc vào lúc bốn giờ ba mươi tư phút sáng...
- Nhảm nhí.
- Cô tra thử trên Google mà xem.
- Thôi, đừng bận tâm, - cô ta nói. Cô ta có nụ cười rất rộng miệng – Anh ác thật đấy.
Rõ ràng ác thật là một cách nói tuyệt vời kiểu mới.
- Vậy bao nhiêu người có thể làm được như anh?
- Tôi không biết ai khác cả. Có những người làm được những việc khác...
- Hừm, - cô ta khẽ cười rúc rích.
Được rồi, - tôi nghĩ, - tôi là người tử tế. Tôi sẽ giúp cô gỡ viên Ru-bic cũ, tôi sẽ giúp cô giải quyết nốt những trang Sudoku (Một trò chơi đố) chưa giải xong, tôi sẽ tính thuế giúp cô bằng hệ thập lục phân, miễn là cô cho tôi xem cuốn Thư...
- Có đúng là anh nói được mười hai thứ tiếng không? – Marena hỏi.
- Không, không, không hề, - tôi đáp. – Tôi chỉ nói được ba thứ tiếng thôi, trừ khi cô tính mỗi thổ ngữ Mayan là một thứ tiếng. Tôi biết gần như tất cả.
- Vậy anh nói tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Mayan?
- Phải. Tôi cũng hiểu được vài thứ tiếng khác nữa. Nghĩa là có thể đọc được. Và nói có lẽ cũng đủ thạo để mua được cà chua.
- Ví dụ?
- Chỉ những thứ tiếng thông dụng thôi. Tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp, tiếng Nahuatl, tiếng Mixteca, tiếng Otomi... (Ngôn ngữ của các dân tộc bản địa khác của châu Mỹ)
- Thế thì, xem nào, - cô ta nói, - anh nghĩ gì về ngày tận thế? Anh có cho rằng điều đó sẽ xảy ra không?
- Ờ... à...
Xem tiếp: Chương 03 - Part 03