Sống Như Tiểu Cường Chương 33 - 36
Chương trước: Chương 29 - 32
Chương 33 - 34
Tôi đứng dậy phát biểu trước mọi người: "Thưa các vị, kì thực tôi thấy có chút không thoả đáng, nếu chỉ dùng vài từ đơn giản như vậy để quảng cáo giầy xem ra rất khó thu hút được người xem, chúng ta nên đổi mới, cái gì là độc nhất vô nhị mới có giá trị và vì thế mới thu hút được khán giả".
Người đàn ông trung niên nhìn tôi với vẻ hoài nghi, tuy thế những người xung quanh lại đang rất chăm chú nghe tôi nói.
Tôi rời chỗ ngồi, đến bên Phùng Kỳ và nói với mọi người: "Thực tình chúng ta nên biết tận dụng những ưu thế của anh Phùng Kỳ, người đại diện của hãng giầy Thánh Lực, đó là nên tận dụng gương mặt hoàn hảo ấy để làm quảng cáo".
Phùng Kỳ nhìn tôi mãn nguyện lắm, anh ta lại càng cố phô ra nụ cười vừa lạnh lùng vừa đẹp trai của mình.
Tôi nhặt một chiếc giầy trên bàn lên và nói: "Đặc điểm nổi bật nhất của giầy Thánh Lực đó là đế giầy thiết kế đặc biệt, nếu chúng ta có thể in hình đế giầy lên điểm nổi bật nhất trên người anh Phùng Kỳ đây, tôi tin là sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía khán giả".
Người đàn ông trung niên ngỡ ngàng nhìn tôi hỏi: "Cậu định in hình đế giầy lên mặt anh Phùng Kỳ sao?"
Mọi người ai nấy nhìn nhau dè chừng, cũng quan sát xem thái độ của người khác ra sao, bỗng ông Chủ tịch Lâm vỗ tay tán thành ý kiến của tôi: "Ý hay! Đúng là một ý tưởng hay!"
Lúc này trong phòng họp mới rộ lên tràng pháo tay, mọi người thi nhau tán thưởng ý tưởng của tôi, sắc mặt Phùng Kỳ trông hết sức khó coi, tôi tin chắc anh ta đã kí hợp đồng cho nên phải chấp nhận mọi hình thức quảng cáo.
Chủ tịch Lâm lại nói: "Tuy vậy anh Phùng Kỳ đây là nhân vật nổi tiếng, chúng ta không thể in hình đế giầy lên mặt anh ấy, vậy nên ta phải tìm một người khác làm việc này".
Tôi chưa bao giờ làm tiêu điểm cả, hồi nhỏ ở thị trấn có một ông thầy bói rất nổi tiếng, ông ấy đã từng tiên đoán sau này tôi nhất định sẽ trở thành một kẻ lừa đảo vĩ đại, vì những điều kiện tất yếu của một kẻ lừa đảo tôi đều có đủ. Khi đó ông ta chỉ vào tôi mà phán: "Đứa trẻ này vứt vào đám đông rồi không thể nhận ra được. Những kiểu người không gây sự chú ý của người khác như vậy rất hợp với nghề lừa đảo!"
Vậy mà ngày hôm nay, trong lúc này đây, tôi đang trở thành nhân vật tiêu điểm, tất cả mọi người đều nhìn tôi với ánh mắt đầy khích lệ.
Chủ tịch Lâm nói: "Vậy để cậu bé này thử xem!"
Người đàn ông trung niên có vẻ hơi khó xử, ông ta nói với Chủ tịch Lâm: "Nhưng cái này không có trong kế hoạch của chúng ta, mà ngay bây giờ chúng ta cũng không thể tìm được một người hóa trang cho Tiểu Cường".
Tôi mừng quýnh, thầm nghĩ: "Thật là may!"
Không ngờ tổ trưởng Sa cao hứng thế nào lại nói: "Ngài Chủ tịch hãy để tôi, về mặt này tôi cũng có chút ít kinh nghiệm".
Cái anh chàng tổ trưởng lắm mồm này! Tôi quyết định tối nay sẽ làm một con búp bê bằng vải, viết tên anh ta lên đó sau đó dùng kim đâm cho nát bét.
Đến trưa, tôi bị tổ trưởng Sa lôi vào phòng hóa trang của công ty, anh ta lấy ra một hộp màu đen rồi bỗng thốt lên đầy ân hận.
Tôi hỏi: "Tổ trưởng Sa, anh sao vậy?"
Tổ trưởng nói: "Anh đem hết giầy Thánh Lực đến khu quảng cáo rồi, chẳng để lại cái nào làm mẫu cả.
Tôi hỉ hả nói: "Thế không cần em làm người mẫu nữa đúng không?"
Anh ta nhìn tôi, rồi bỗng phấn chấn trở lại nói: "Anh vừa nhớ ra, hôm nay để phù hợp với tinh thần của buổi quảng cáo nên anh đã đi một đôi giầy Thánh Lực".
Tôi nói: "Anh không định..." tôi chưa kịp nói hết câu, vì tôi kịp nhận ra là tôi đã đoán trúng, tổ trưởng Sa tháo ngay chiếc giầy còn nguyên hơi ấm ra.
Anh ta giơ chiếc giầy lên trước mặt tôi, nhẹ nhàng vẽ, tôi ngửi thấy một mùi đặc trưng của anh ấy, tổ trưởng dùng màu quết lên đế giầy, tôi ngồi đơ trên ghế nhìn anh ta, thấy bộ mặt thiểu não của tôi, anh lại an ủi: "Tiểu Cường, không phải căng thẳng thế đâu, cái này anh làm quen rồi mà. Nhanh lắm, sẽ không làm em thấy khó chịu đâu".
Tôi hỏi tổ trưởng Sa: "Tổ trưởng, trước kia anh là nhà hóa trang ạ?"
Tổ trưởng Sa trả lời tôi: "Không, nhưng trước kia mỗi ngày anh phải đóng mấy nghìn con dấu, cho nên cái trò in này anh rất rành".
Mấy nghìn con dấu? Trời ơi, một cái đơn vị bé tí teo thế này mà phải đóng nhiều dấu thế sao?
Lẽ nào, không lẽ nào tổ trưởng Sa - người ngồi trước mặt tôi đấy đã từng là một vị quan chức nhà nước? Chỉ có ở các cơ quan nhà nước mới có nhiều công văn giấy tờ đến thế, mới phải đóng đến hàng nghìn con dấu như thế.
Tôi nhìn anh đầy ngưỡng mộ, mẹ đã từng nói: "Làm người phải biết khinh thường kẻ thấp và sùng bái kẻ cao, có như vậy mới khá được".
Tôi hỏi tổ trưởng Sa: "Ngày trước anh làm ở cơ quan nhà nước phải không ạ?"
Tổ trưởng Sa trả lời: "Không, anh chưa từng làm việc cho nhà nước".
Tôi thấy lạ hỏi anh: "Sao anh lại phải đóng dấu nhiều đến thế ạ?"
Tổ trưởng trả lời tôi: "Trước anh làm ở kiểm dịch, ngày nào cũng phải đóng dấu kiểm dịch lên thịt lợn".
Anh ta dí cái đế giầy in vào mặt tôi, vừa làm vừa cằn nhằn: "Tiểu Cường, đóng dấu vào mặt cậu khó hơn nhiều so với đóng dấu thịt lợn, cứ chỗ lồi chỗ lõm".
Tôi chả biết mình nên cười hay nên khóc nữa? Nếu không phải vì sợ nước mắt rớt xuống làm nhoè mực và anh ta lại in thêm lần nữa thì tôi đã khóc toáng lên rồi.
Chương 34
Tôi đứng trên bục sân khấu, đây không phải là lần diễn xuất đầu tiên của tôi. Năm nọ có vị lãnh đạo thành phố về làm công tác kiểm tra, Chủ tịch thị trấn có nhã ý muốn tổ chức buổi biểu diễn với chủ đề những hoạt động trong cuộc sống của nhân dân, thu hút được rất nhiều người ngồi lì bên bàn mạt chược đến làm quần chúng, tôi và mẹ cùng biểu diễn một tiết mục ca ngợi cuộc sống của người nông dân.
Sau buổi biểu diễn, lãnh đạo thành phố đánh giá rất cao ý nghĩa của buổi biểu diễn, đồng thời đề nghị những hoạt động thế này cần được duy trì. Chủ tịch thị trấn phấn khởi hứa sẽ cố gắng nỗ lực duy trì những hoạt động thể hiện được ý nguyện của nhân dân thế này, lời của Chủ tịch thị trấn không tin được, ông ta nhận gà của chú Sáu suốt mà vẫn nuốt lời cái chuyện nhượng cho chú Sáu cái hồ mới của ông ta, ấy thế nhưng chú Sáu vẫn tiếp tục gửi gà cho ông Chủ tịch, vì chú không muốn mất đi cái hồ vốn có của mình. Tuy thế lần này ông Chủ tịch nói lời mà giữ lời thật, ông ta tổ chức một hoạt động với quy mô còn lớn hơn lần trước, là vì có lãnh đạo tỉnh về làm công tác kiểm tra.
Trong những lần biểu diễn ấy, mẹ tôi đã rút ra được một chân lý, sự khác biệt lớn nhất giữa những kẻ lừa đảo chốn quê mùa với bọn ở thành thị là: Chúng tôi nói dối với mục đích để người ta tưởng đó là thật, còn họ, chỉ là đem cái dối trá mà người nói và người nghe đều biết kể thành sự thật mà thôi.
Nhưng lần ấy, tôi là diễn viên chính, còn giờ đến một chân diễn phụ cũng không phải, chỉ là cái nền cho người ta xuất hiện thôi, tôi còn khoác trên mình một bộ trang phục đặc biệt, theo như sáng kiến của Phùng Kỳ, cứ vài phút tôi lại thay đổi động tác một lần.
Tôi thấy mẹ, Tứ Mao và Tiểu Thuý đều đã đứng cả phía dưới khán đài, họ nháo nhác tìm tôi, bỗng Tiểu Thuý chỉ về phía tôi cười phá lên, tôi không lấy làm bực mình vì ngày hôm nay hễ ai nhìn thấy tôi họ cũng đều phá lên cười như vậy nên tôi quen rồi.
Phùng Kỳ đang xúc động hướng về phía khán giả để giải thích rõ ngọn nguồn nhân duyên giữa anh ta và hãng giầy Thánh Lực cũng như hàng loạt những ưu thế của hãng giầy đã trải nghiệm qua một thời gian sử dụng. Tôi dám cá rằng ngoại trừ hôm nay ra, anh ta chưa bao giờ đi giầy của hãng này.
Phùng Kỳ cứ nói vài câu, tổ trưởng Sa lại phụ trách thúc giục đội ngũ người hâm mộ của Phùng Kỳ gào tên anh ta, trong đó giọng của Tứ Mao là sang sảng và có kỹ thuật nhất, lần này tổ trưởng Sa thu nạp Tứ Mao quả là vớ được vật vô giá, từ khi 15 tuổi Tứ Mao đã biết kiếm tiền bằng cái cổ họng vừa hoàn hảo vừa đặc sắc của cậu, tuy là bạn thân của nhau nhưng đôi lúc tôi cũng phát ghen lên với biệt tài của cậu ta.
Đương nhiên cậu ta chẳng phải là ca sĩ ngôi sao gì cả, hành vi kiếm tiền bằng hát nhép là hành vi không thể chấp nhận được, còn như Tứ Mao là dựa vào năng lực của chính mình, ngày đó ở thị trấn mỗi lần nhà nào có người già qua đời, nhà lại không có con trai chịu tang, họ thường thuê Tứ Mao làm con trai hiếu trong ngày lễ truy điệu, Tứ Mao gào khóc vừa não nề thảm thiết vừa âm vang, xung quanh nhà người có tang trong phạm vi bán kính một kilomet đều nghe rõ mồn một. Những người nghe thấy cũng không thể không đến phúng viếng, sau khi trừ khoản thuê Tứ Mao, phong bao họ kiếm được cũng khá, thật đúng là một mũi tên trúng hai đích.
Phùng Kỳ vẫn đang thao thao bất tuyệt tôi đã thấy Chủ tịch Lâm, Lâm Tiểu Hân cùng một vài người nữa đến bên cánh gà, Lâm Tiểu Hân vừa nhìn thấy bộ dạng của tôi trên sân khấu vội vàng nhịn cười.
Một lúc sau, tôi nghe thấy người dẫn chương trình giới thiệu: "Đề nghị ột tràng pháo tay chào mừng lãnh đạo phía tổ chức chương trình, ông Lâm, Chủ tịch công ty quảng cáo Tân Tân lên phát biểu.
Chủ tịch Lâm bước lên sân khấu, bắt đầu bài phát biểu. Phàm là các lãnh đạo phát biểu thì luôn theo một khung nhất định. Không thiếu phần cảm ơn sự quan tâm tham gia của mọi người, tóm lấy một ưu điểm nho nhỏ của hoạt động này rồi phóng đại nó lên mà biểu dương, cuối cùng là ý nghĩa lớn lao của hoạt động.
Tôi càng nghe càng ngán, càng nghe càng buồn ngủ, nhưng mà tôi không dám ngáp, bởi vì tôi mà há mồm ra thì hình cái giầy in trên mặt tôi vốn do mười mấy tiến sỹ nghiên cứu nên, hàm chứa cái tinh tuý năm nghìn năm của nền văn hóa Trung Quốc sẽ biến thành cái giầy rách.
Tôi chán ngấy ngó xuống phía khán đài, quái lạ, chỉ nhìn thấy Tứ Mao và Tiểu Thuý, chẳng thấy mẹ đâu. Vừa mới nãy bà hãy còn ở dưới đó gào thét rất khí thế, làm cho Phùng Kỳ dường như quên mất rằng mấy người hâm mộ đó là do công ty tôi thuê về.
Tôi đứng trên sân khấu mất 5 tiếng đồng hồ. Giờ đã là giữa thu, mỗi lần gió thổi qua lại mang theo chút hơi lạnh, hôm qua tôi vừa đem giặt cái áo kép tha từ thị trấn lên, thực ra nó quá bẩn rồi, nhưng tôi chỉ có mỗi một cái áo kép, sớm biết hôm nay phải đứng tuyên truyền thế này tôi đã chẳng giặt vội. Tôi bắt đầu run lên, cũng may tôi dần dần quen với cái lạnh nên chẳng còn thấy lạnh nữa, những âm thanh ồn ào cũng dần không ảnh hưởng đến tôi nữa.
Thế giới này tồn tại rất nhiều những nhóm người, ai cũng quen sống trong nhóm của riêng mình.
Những ông hám sắc; những đứa trẻ mở mồm là nói lời tục tĩu; những học sinh dùng tiền của cha mẹ để mua điểm; mấy ông nhà văn ăn tục nói phét; những ngôi sao nổi tiếng nhờ lăng xê; những ông chủ bớt từng đồng tiền lương của nhân công; họ làm sao hiểu được thế giới này còn có những người khác không giống như những người đang tồn tại.
Tôi, Tiểu Cường, vẫn đứng đây, đứng một cách hiên ngang, tôi quyết không gục ngã.
Chương 35 - 36
Tôi ngồi trong căn phòng của công ty, buổi diễn kết thúc cũng đã tám giờ rồi, tôi chui vào nhà vệ sinh hì hục cọ rửa những vết mực trên mặt, nhưng vì chất lượng mực quá tốt nên rửa đến mấy lần nước mà vẫn cứ thấy mặt bẩn bẩn thế nào ấy.
Tôi nghe thấy tiếng cười của Lâm Tiểu Hân, cô ấy nói: "Tiểu Cường, rửa như thế thì khó sạch lắm, lấy nước nóng rửa xem."
Tôi quay lại nhìn Tiểu Hân, vết mực trên mặt tôi đã sạch đi phần nào nhưng vẫn còn hiện từng đường nét của cái đế giầy trên mặt. Tiểu Hân cười mà như không cười bảo tôi: "Qua phòng làm việc của tôi đi, bên đó có nước nóng."
Lần đầu tiên tôi đến văn phòng của Tiểu Hân, một phòng đơn không rộng lắm, cô ấy lấy một chậu nước nóng, đưa cho tôi một cái khăn mặt trắng muốt, tôi hơi trù trừ, sợ làm bẩn mất cái khăn trắng.
"Mau rửa đi!" Cô ấy giục tôi.
Tôi vục đầu vào nước kì mấy dấu mực hằn trên mặt, cái khăn mặt trắng đúng là đã hơi ngả màu, tôi lấy làm ái ngại đưa trả cho Tiểu Hân, cô ấy nhận lấy rồi nói: "Sao cậu rửa chẳng cẩn thận gì cả, còn bao nhiêu chỗ chưa sạch kia kìa!"
Cô ấy lấy khăn lau giúp tôi những vết bẩn còn sót lại, tôi ngồi im trên ghế, có cái gì đó thật ấm áp đang dâng trào trong tận đáy lòng tôi, không nhớ đã bao lâu rồi tôi không xúc động thế này.
Tiểu Hân nhúng khăn vào chậu nước, vừa vò khăn vừa nói với tôi: "Lần này thì sạch rồi."
Tôi nhẹ nhàng nói: "Chị Tiểu Hân, cảm ơn chị."
Tiểu Hân cười, lại vẫn nụ cười quen thuộc ấm áp ấy.
Tôi không giấu nổi lòng mình nên đã kể với Tiểu Hân: "Tiểu Hân này, thật ra ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy chị, em đã thấy nụ cười của chị rất quen thuộc, sau đó em phát hiện ra nụ cười của chị rất giống nụ cười của mẹ em, chị đừng hiểu lầm, mẹ em tuy chỉ là một bà nông dân mù chữ nhưng mỗi khi bà cười trông rất đẹp."
Tiểu Hân cũng cười, chị ấy nói với tôi: "Chị cũng thấy em rất gần gũi, nhưng vẫn chưa nghĩ ra là em giống ai."
Chị hỏi tôi: "Em chưa ăn gì phải không? Chị cũng chưa ăn, chị gọi đồ rồi cùng ăn nhé."
Tôi cười hỉ hả: "Vậy em sẽ đợi."
Tiểu Hân lật cuốn danh bạ điện thoại, tìm số của bộ phận đặt đồ ăn của quán đồ ăn nhanh, chị tự hỏi: "Không biết muộn thế này rồi người ta còn đem đến ình nữa không."
Tôi cười nói: "Chắc chắn là có."
Chị ngạc nhiên nhìn tôi hỏi: "Sao em biết chắc chắn còn mang đến?"
Tôi cười và trả lời: "Vì người đưa đồ là người làm thuê, nhưng quyết định có đưa hay không là ở ông chủ, thế nên chắc chắn họ vẫn đưa."
Tiểu Hân vừa gọi điện vừa nói: "Em phân tích rất có lí đấy!"
Tôi ngắm bức ảnh chụp chung để trên bàn, đó là bức ảnh rất thân mật của Tiểu Hân với một người đẹp trai.
Tôi hỏi: "Người này có phải bạn trai chị không, chị Tiểu Hân?"
Tiểu Hân mặt rạng ngời hạnh phúc đáp: "Ừ."
Tôi cười tinh nghịch nói: "Đợi khi nào nhà chị làm lễ hắt nước thì nhớ gọi em đến giúp một tay nhé!"
Tiểu Hân bán tín bán nghi hỏi tôi: "Lễ hắt nước? Sao nhà chị phải làm lễ hắt nước?"
"Các cụ già ở thị trấn em thường nói con gái lấy chồng như nước đổ đi, nên..." Tôi cười tinh quái.
Chị ấy cười ngắt lời tôi: "Nói linh tinh."
Tiểu Hân rút trong túi ra một trăm nhân dân tệ đưa cho tôi nói: "Đây là tiền bồi dưỡng buổi quảng cáo chiều nay."
Tôi mừng lắm, cái phòng mẹ ở có mấy mảnh kính cửa sổ bị vỡ, giờ có thể thay mới rồi, nhưng tôi lại hơi nghi ngờ, không biết đó là tiền công ty bồi dưỡng hay tiền của chị ấy.
Tiểu Hân nhét tiền vào tay tôi, tôi nói: "Cảm ơn chị."
Tiểu Hân đáp: "Đây là tiền của em mà, sao lại phải cảm ơn chị?"
Tôi cầm 100 tệ mang theo hơi ấm tình người. Xã hội này có rất nhiều người không nheo mắt khi mua cái áo khoác một hai chục nghìn nhân dân tệ, cũng có những người cần 100 tệ để làm biết bao nhiêu việc.
Chương 36
Tôi đã làm quen dần với công việc của mình, nỗ lực làm việc hơn bất cứ ai. Lúc này tôi cần một công việc ổn định hơn bao giờ hết, một công việc mà đến tháng được lĩnh lương, vì mẹ đang sống ở đây, một ngày nào đó chị Trần cho người khác thuê phòng, tôi còn phải giúp mẹ tìm phòng mới.
Tôi cười thân thiện với bất cứ ai nhìn tôi với ánh mắt ghen ghét, hết lần này đến lần khác, đến khi họ ngại không còn nhìn tôi bằng con mắt ghen ghét nữa.
Ngày nào tôi cũng tranh pha trà, rót nước, sắp xếp bàn làm việc cho giám đốc Giang và tổ trưởng Sa, hành đồn của tôi làm cho các đồng nghiệp khác không hài lòng vì họ cũng phải tỏ thái độ làm việc chăm chỉ nếu không muốn bị coi là quá kém cỏi.
Tôi đang đợi ngày lĩnh lương vì thời tiết ngày càng lạnh hơn rồi, tôi phải mua ẹ một chiếc chăn bông.
Buổi trưa tôi không ăn cơm ở công ty vì ở đó rất đắt, tôi về ăn cùng mẹ, Tứ Mao và Tiểu Thúy, như vậy có thể tiết kiệm được chút ít.
Công ty cách chỗ ở của tôi không xa lắm, ngày nào tôi cũng đi bộ về, ngày trước đi học trên thị trấn đường còn xa hơn bây giờ nhưng tôi cũng đi bộ suốt.
Hôm nay thời tiết thật tuyệt, đầu đông hiếm khi có được thời tiết thế này lắm, tôi đem tài liệu đi gửi ột công ty khác, công việc cũng rất thuận lợi nên trốn về nhà sớm một chút, gần đến khúc rẽ, thấy chị Trần đang nói chuyện với một người đàn ông tôi bèn tiến lên nghe ngóng.
Tôi thấy người đàn ông kia nói: "Chị Trần, chỗ chị vẫn chưa có phòng trống à? Lần trước em hỏi chị bảo sắp có, sao bây giờ vẫn chưa có thế?"
Tôi bỗng thấy sợ, nếu chị Trần mà lấy lại phòng thì chỉ còn nước để mẹ quay về thị trấn, thật ra tôi rất muốn mẹ ở lại đây thêm một thời gian.
Chị Trần nói với người đàn ông kia: "Cậu đến hỏi bao nhiêu lần rồi? Chưa chán hả? Đã bảo hết phòng cho thuê từ lâu rồi mà lại."
Tôi chợt hiểu tại sao giá phòng của chị Trần rẻ thế mà vẫn chưa có người đến thuê, hóa ra chị ấy từ chối người ta cho thuê.
Người đàn ông thất vọng bỏ đi.
Tôi đến phía sau chị Trần nói với chị: "Chị Trần, em cảm ơn chị."
Chị ta quay lại, làm như không hiểu hỏi lại tôi: "Cảm ơn tôi cái gì?"
Tôi lặp lại: "Chị Trần, cảm ơn chị."
Chị ta đanh mặt nói: "Chẳng qua tôi ghét cái thằng cha đó nên không muốn cho thuê, đợi khách tử tế đến là mẹ cậu phải đi đấy, cả cậu và Tứ Mao nếu không trả đủ tiền nhà thì cũng thế."
Nếu hôm qua chị ấy nói thế thì tôi tin chứ hôm nay tôi đã hiểu chị ấy là người khẩu xà tâm phật, đợi khi tôi nhận lương, thế nào tôi cũng trả thêm tiền thuê nhà của tôi và mẹ, tôi chỉ là kẻ lừa đảo, nhưng không phải là kẻ ăn xin, tôi đã được nhiều người đối xử tốt rồi, không thể đòi hỏi thêm gì nữa.
Chị ấy nhìn tôi, giấu một nụ cười, ném một cái chìa khóa về phía tôi, chị ấy nói: "Trong nhà kho của tôi, vẫn còn một cái chăn không dùng đến, lát nữa lấy về ẹ cậu dùng tạm."
Chị Trần quay lưng đi lên gác, tôi với theo: "Chị Trần, cảm ơn chị!"
Chị ấy chẳng quay lại, chỉ đáp lời tôi: "Làm gì mà ầm ỹ lên thế!"
Tôi ôm chăn chạy lên phòng mẹ, mẹ lại không có ở đó, thường thì giờ này mẹ đang ở đây nấu ăn rồi, tôi để chăn lên giường.
Ánh mặt trời chiếu qua cửa kính rọi vào căn phòng tôi ngắm khắp lượt, hóa ra không phải tất cả đều u ám.
Năm nọ, có một vị lãnh đạo huyện trình độ văn học uyên thâm đem những thể nghiệm sau bao năm công tác của mình viết thành một cuốn sách, đồng thời quảng cáo đến lãnh đạo các thị trấn trong huyện, các Chủ tịch thị trấn sau khi đọc xong cuốn sách hết sức ca ngợi, họ đều nói sách có giá trị khai thác cao thế sao không cho ra đời sớm hơn, đúng là sách cũng có chút giá trị gợi mở thật, các vị chủ tịch thị trấn trong lúc quá kích động lũ lượt đem khoản tiền trợ cấp thiên tai ra mua cuốn sách này.
Chủ tịch thị trấn tôi cũng may mắn tranh được mấy nghìn cuốn và đem phát ọi người trong buổi lễ trợ cấp thiên tai, đến người mù văn hóa như mẹ tôi cũng được phát ột quyển. Không có tri thức thật là đáng sợ, mẹ tôi đã thốt lên những lời bực bội: "Cái thứ này có tác dụng gì chứ? Có ăn thay cơm được không?". Bà không bao giờ hiểu được tầm quan trọng của món ăn tinh thần, kỳ thực lúc cơm không có mà ăn, ngồ lật quyển sách ra đọc cũng là cái thú tiêu khiển không tồi.
Tuy thế quyển sách vẫn được giữ lại, có lúc dùng để cắt ướm cái giầy, có lúc lại kê cái chân bàn cho nó cân.
Tôi vớ lấy quyển sách, cầm lật lật vài trang, giữa trang sách có vô tình kẹp một tấm ảnh, trên ảnh là mẹ hồi còn trẻ đang bế tôi trong đùm tã lót, nhưng bố lại đang dắt tay một đứa con gái khoảng hai ba tuổi.
Trong nhà còn vài bức ảnh chụp tôi với bố mẹ, đó là do chú Bảy hồi còn làm diễn viên đã ăn bớt được cuộn phim của công về chụp, nhưng từ trước đến nay tôi chưa nhìn thấy một bức ảnh nào khác có hình đứa con gái ấy.
Cô ấy là ai? Tại sao lại xuất hiện trong bức ảnh của gia đình mình?
Tôi quan sát kĩ bức ảnh, có lẽ chụp vào mùa hè, mọi người đều mặc ít quần áo, trên cổ đứa con gái có một cái bớt màu đỏ.
Xem tiếp: Chương 37 - 40