Sống Như Tiểu Cường Chương 05 -> 08
Chương trước: Chương 01 -> 04
Chương 5 - 6
Tôi vẫn ném một cách nhiệt tình, một cái đầu vừa ló ra khỏi cửa sổ liền hứng chịu ngay một viên đá của tôi, hắn kêu "Oái" ngay một tiếng, hóa ra là Tứ Mao.
Tôi dừng tay gọi với lên: "Tứ Mao!"
Tứ Mao nhận ra tôi vội chạy xuống cầu thang, rồi hỏi: "Tiểu Cường, cậu đến đây bằng cách nào đấy? Mình nhớ cậu quá!"
Tôi kể lại cuộc hành trình cho Tứ Mao nghe.
Rồi tôi nói: "Lần này mình đến mục đích chính là thăm các cậu, nhân tiện kiếm chút tiền mặt."
Tứ Mao cảm động khoác vai tôi nói: "Tiểu Cường, mình biết mấy lời cậu nói là giả tạo nhưng vẫn thấy cảm động. Tuy không khóc nhưng hãy tin là trong tim mình những giọt nước mắt đang rơi." Nghe xem lời cậu ta nói còn giả tạo hơn tôi nhiều.
Tứ Mao dẫn tôi lên gác, hành lang vừa bẩn thỉu vừa ngổn ngang, góc cầu thang chất đầy rác rưởi.
Tôi nghi ngờ hỏi lại Tứ Mao: "Mình nhớ là cô Năm kể cuộc sống của cậu ổn lắm mà, sao lại ở cái nơi ổ chuột này?"
Tứ Mao thở dài đánh thượt: "đúng là mấy ai học được chữ ngờ".
Đang leo lên cầu thang tôi gặp ngay mụ béo ban nãy hai tay chống nạnh đứng giữa lối đi, thân hình phì nộn của mụ chắn cả cái lối đi bé tẹo. Mụ ta nhìn tôi với vẻ rất tức tối, những tảng thịt núng nính trên cái mặt béo múp cứ như lồi ra thêm, Tứ Mao vừa nhìn thấy mụ đã co rúm như chuột nhắt thấy mèo làm tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi ở thị trấn chúng tôi Tứ Mao trước nay vẫn được coi là kẻ không biết sợ trời đất là gì.
"Tứ Mao, bạn mày hả?" mụ béo hỏi Tứ Mao rồi nhìn tôi dò xét, xong mụ nhoẻn miệng cười, đưa tay định vuốt má tôi nói: "Thằng nhỏ nhìn dễ thương quá!"
Tôi lùi ngay lại tránh bàn tay to béo của mụ.
Tứ Mao trả lời: "Chị Trần, đây là bạn cùng quê của em", nói rồi cậu ấy kéo tôi tuột vào phòng.
Bà chị Trần kia không vuốt má tôi được một cái nên có vẻ không hài lòng, mụ đứng ngoài cửa nói toáng lên: "Tứ Mao, ày thêm 5 ngày nữa, nếu vẫn không trả tiền thì ...!" mụ ta chần chừ rồi bỏ đi.
"Ai đấy?", tôi hỏi Tứ Mao, bà chị Trần mà Tứ Mao sợ kia có lẽ là chủ nợ của cậu ấy.
"Chị ta là chủ nhà, mấy tháng nay tớ chưa trả tiền thuê nhà rồi." Tứ Mao đáp.
Thảo nào mà cậu ấy lại tỏ ra sợ sệt đến thế.
Tôi liếc qua căn phòng tồi tàn, phòng chật chội chỉ đặt một cái giường và một cái bàn, vài thứ đồ dùng ném lung tung khắp nhà. Tôi lại liếc qua Tứ Mao, trông cậu gầy và đen so với trước, trên người là chiếc áo may ô thủng lỗ chỗ.
"Tứ Mao, nhìn cậu dạo này cũng thời trang nhỉ, còn học đòi ăn mặc gợi cảm nữa chứ?" Tôi chọc Tứ Mao.
Cậu ấy cười méo mó, chẳng đáp lời tôi.
Tôi lại hỏi: "Phòng này thuê bao nhiêu một tháng?"
Tứ Mao nói: "Hai trăm tệ".
Tôi nói: "Gì mà đắt thế, phòng thì tồi tàn mà cũng 200 tệ à?"
Tứ Mao trả lời: "Thế vẫn còn rẻ chán, chẳng qua ở đây phòng cũ nát quá lại gần nhà xác nên mới rẻ."
Tôi hỏi: "Dạo này cậu sống thế nào?", hỏi thế chứ nhìn cậu ta cũng đủ biết.
Tứ Mao thở dài đáp: "Thời gian trước mình cùng mấy đứa làm văn bằng, chứng nhận giả, nhưng mình ít chữ nên không được làm bên kỹ thuật, chỉ toàn dán tờ rơi quảng cáo ngoài phố. Ba tháng trước, sở công an ra cáo thị cấm dán quảng cáo ngoài phố, họ còn thuê một lực lượng lớn đi bóc quảng cáo bọn tớ dán, có lúc còn giả làm khách hàng để tóm cổ tụi tớ, làm ăn thất bát quá nên chỉ còn cách tạm dừng."
"Thế giờ cậu sống bằng gì?" Tôi hỏi.
Tứ Mao trả lời: "Tớ vừa tòm được một công việc mới, bật tắt nhạc trong rạp chiếu phim, nhưng mới làm được nửa tháng mà lương thì cuối tháng mới được lĩnh."
Nghĩ đến cậu bạn đã nợ mấy tháng tiền nhà tôi tính đợi bán xong điện thoại sẽ trả nợ cho cậu ấy.
Tứ Mao lại thở dài than với tôi: "Giờ mình bắt đầu hối hận vì không chịu học hành như cậu, mẹ cậu đúng là sáng suốt thật!"
Ha ha, tôi lại thêm một lần tự hào về mẹ.
Chương 6
Tôi bắt xe buýt đến quảng trường trên đường Đại Sơn. Tối qua, tôi đã hẹn với chủ nhân của chiếc điện thoại. Tôi lắc lắc cái cổ, tối qua nằm chen chúc với Tứ Mao trên cái giường chật chội chẳng thoải mái chút nào nên ngủ không được ngon lắm, Tứ Mao thì ngáy như sấm rền, đến nỗi từng lớp bụi trên trần nhà lần lượt rơi xuống. Thêm vào đó là những tiếng lạch cạch làm tôi lo lắng, chẳng biết nửa đêm từ mấy lỗ hổng trên trần nhà có rơi xuống một con chuột nhắt hay con rắn không.
Tứ Mao ngay từ khi mười mấy tuổi đã ngáy rất siêu đẳng, hồi còn bé có lần bố mẹ tôi đi công tác xa nên gửi tôi qua bên nhà Tứ Mao. Tôi, Tứ Mao và bố cậu ấy ngủ trong một căn phòng, họ có trình độ kéo gỗ ngang ngửa nhau đến nỗi vừa đặt lưng cái là phải ngủ ngay chứ nếu một người đã ngủ rồi thì người kia đừng hòng ngủ nổi. Thế mà sáng ra, họ vẫn cằn nhằn tiếng ngáy của người kia làm mất giấc ngủ của mình.
Bố Tứ Mao nói: "Tứ Mao, mày mới tí tuổi đầu mà đã ngáy kinh như vậy coi sao được, học tập Tiểu Cường kia kìa, ngủ phải im lặng thế mới gọi là ngủ chứ."
Tôi chẳng biết khi ngủ mình có ngáy không nhưng tôi biết là những người thức trắng đêm thì không bao giờ ngáy cả.
Tôi dựa vào cửa xe ngủ gật, xe không đông lắm, chỉ có vài người phải đứng. Lại qua một bến nữa, tôi ngó lên bảng lịch trình, cũng còn khá nhiều bến nữa mới đến.
Xe dừng lại, một ông già tóc hoa râm bước lên và run rẩy tiến vào trong xe, hành khách ai nấy ngồi bất động như núi Thái Sơn, có vài người thấy ngần ngại bèn quay ra ngoài cửa sổ.
Dáng dấp ông cụ rất giống ông Tôn ở thôn Đông Đầu, mỗi lần tôi đi qua nhà ông đều được ông cho quà bánh. Lúc này ông lão đang dần tiến về phía tôi, tôi đứng dậy nhìn về phía ông lão để ông biết rằng tôi sẽ nhường chỗ, ông ta nhìn tôi đầy ngờ vực và không ngồi.
Tôi đành ngồi xuống ghế và quan sát ông lão tiếp tục run rẩy bước về phía cuối xe, ông già này thật kỳ quặc. Sắp đến cuối xe lại có một gã thanh niên đứng lên nhường chỗ, lần này ông lão ngồi thật.
Tôi ngồi trên ghế nhìn vào cái quần vừa bẩn vừa rách của mình, và chợt hiểu hóa ra ông già chê tôi bẩn thỉu!
Tôi mặc cái quần này đã mấy năm rồi, năm ấy chúng tôi gặp nạn, người thành phố đã quyên góp rất nhiều quần áo tặng dân thị trấn, lúc quần áo đưa về đến thị trấn, mấy ông cán bộ thị trấn đem quần áo tốt chia cho họ hàng, bạn bè, còn quần áo rách nát của họ lại được đem đi phân phát cho dân. Mẹ tôi mồm miệng vốn khéo léo lại có mối quan hệ tốt với mấy ông cán bộ, nên cái quần được phân này là cái quần thải ra của cậu ruột Chủ tịch thị trấn nhưng vẫn còn rất mới, tuổi đời mới chỉ có sáu năm.
Tôi ấm ức lắm nhưng đúng lúc này còi xe buýt báo hiệu đã đến quảng trường Đại Sơn.
Tôi vội xuống xe, lúc đi qua ông già khi nãy trong đầu tôi lại nảy ra mấy trò đùa tai ác. Thế là tôi hít một miệng đờm, nhổ "toẹt" ra cạnh chân ông già, ông ta giật bắn mình vội rụt chân lại, đám đờm vàng lầy nhầy ngay cạnh chân ông, tôi nở một nụ cười quái ác, thực ra ông ta không rụt chân lại thì tôi cũng không nhổ trúng. Kỹ thuật khạc đờm tôi đã luyện nhiều, hồi nhỏ tôi và bọn Tứ Mao toàn trốn trên nóc nhà Ủy ban thị trấn và nhổ nước bọt xuống người đi đường. Cán bộ cấp cao nhất dính chưởng nước bọt của tôi là một ông cán bộ tỉnh về địa phương điều tra. Nhổ nước bọt không khó nhưng nhổ có kỹ thuật thì không dễ, phải biết kết hợp hài hòa sức gió và độ đậm đặc của nước bọt. Hôm đó, trên xe buýt cũng phải chú ý đến quán tính, tôi nhổ ở vị trí cách chân ông ta là 3,8cm, ông lão nhìn tôi đầy vẻ sợ sệt, tôi chẳng nhìn lại nữa mà vênh mặt bước xuống xe trước những ánh mắt oán trách.
Tôi đến quảng trường, ngồi đợi bên đài phun nước, ngắm dòng người ăn mặc sang trọng đi qua đi lại.
Chuông điện thoại reo, tôi chợt nghe thấy có tiếng gọi mình.
"Chào anh!", âm thanh không phải phát ra từ điện thoại mà ngay sau lưng tôi, tôi ngoái lại, thì ra là một cô bé dáng gầy gò.
Cô gái không cao, mặt trái xoan xương xương, tóc dài chấm vai, da trắng bủng, vừa nhìn đã biết là kiểu con gái thành thị, trông cũng tàm tạm nhưng không hấp dẫn, mặc dù đã chuẩn bị tâm lí từ trước tôi vẫn hơi thất vọng.
Cô ta có thân hình gầy guộc, mà ở thị trấn tôi kiểu người ấy là mất điểm nhất, vì được liệt vào loại sinh đẻ kém. Quê tôi con gái xuất giá được nhận lễ của nhà trai theo trọng lượng cơ thể, một tháng trước khi lấy chồng phải ăn tống ăn táng để kiếm thêm chút lễ cho bố mẹ.
"Anh đợi lâu rồi phải không?" cô ta thỏ thẻ hỏi.
"Cũng vừa đến thôi" Tôi trả lời.
Tôi đưa cái điện thoại cho cô ta: "Điện thoại của cô đây."
Tôi không hề lo lắng cô ta sẽ không trả tiền vì dựa vào trình độ của mình tôi biết cô ta có muốn cũng không lừa được tôi.
Cô ta cảm ơn, nhận lại điện thoại, vội rút trong túi xách ra một xấp tiền, không đếm lại, xem ra đã chuẩn bị sẵn từ trước.
Tôi nhận tiền, vừa chạm vào là biết ngay tiền thật, cô Tám thường mua tiền giả ở nơi khác về tiêu, kỹ thuật nhận biết tiền giả của tôi cũng là học từ mấy chuyên gia tiền giả ở thị trấn.
Lúc cầm tiền tôi tiện thể vuốt tay cô ta một cái, tuy chỉ là một bàn tay khô gầy, cảm giác kém xa so với cầm tay em Hoa nhà cô Tám, nhưng kể ra đây cũng là một cơ hội không tồi để trải nghiệm cuộc sống.
Cô ta sợ quá vội rụt tay lại, mặt mày hốt hoảng khiến tôi hả hê.
Tôi nhìn cô gái, tuy vẫn đang sợ nhưng rõ ràng tôi thấy quen lắm, lẽ nào đã gặp ở đâu?
"Cô đến thị trấn Tam Thủy bao giờ chưa?" Tôi thăm dò.
"Chưa." Cô gái trả lời tôi.
Cô ta hơi ngại ngùng khi tiếp lời: "Tôi chưa bao giờ ra khỏi thành phố."
Chương 7 - 8
Tôi cầm tiền, quay lại chỗ Tứ Mao, hình ảnh cô gái cứ quanh quẩn trong đầu tôi, tại sao lại có cảm giác quen thuộc nhỉ? Tôi cũng không rõ tôi đã gặp cô ta bao giờ chưa, những người bị tôi lừa không đếm hết được nên không nhớ ra cũng là lẽ thường tình. Thôi, bỏ qua chả nghĩ nữa.
Tôi đứng dưới nhà Tứ Mao đã nghe thấy tiếng gào thét của mụ béo.
Lên đến phòng Tứ Mao gặp ngay mụ đang đứng chắn cửa phòng.
Mụ nói: "Tao đã bảo mày rồi, không trả tiền nhà thì biến đi chỗ khác".
Tứ Mao đáng thương cứ lắp ba lắp bắp: "Hôm qua chị đã hạn cho em thêm năm ngày nữa mà."
Mụ tiếp luôn: "Hôm qua là hôm qua, giờ mày không trả tiền thì năm ngày nữa cũng vậy thôi, ày thêm thời gian cũng bằng thừa."
Tôi sấn đến trước mặt mụ, nhìn thấy tôi, những khối thịt đang đanh lại trên mặt chị ta lập tức giãn ra.
"Tên là Tiểu Cường hả em? Về rồi đấy à?" Chị ta chống tay lên bậu cửa thành tư thế hình chữ S rồi cứ thế nhìn tôi, cửa nhà phòng Tứ Mao vốn đã không chắc chắn gì, giờ tôi lại càng thấy lo hơn.
Mụ nhìn tôi đầy vẻ dịu dàng, tiếc là nghiệp dư quá.
Dì Quế Hoa đã từng nói, phương pháp chuẩn xác là tạo một góc 15 độ giữa người và bậu cửa, sau đó tạo dáng liễu mềm vịn gió, ánh mắt chứa đựng vẻ thuần khiết và ưu sầu, vài sợi tóc trước mắt lất phất bay, nếu chúng không động đậy thì dùng miệng thổi.
Khi anh ta chăm chú nhìn bạn, hãy để miệng nhoẻn cười (nếu kết hợp với má lúm đồng tiền thì hiệu quả càng cao), tiếp đến mắt lim dim khép hờ, bắt đầu đong đưa.
Đợi anh ta tiến gần hơn một bước thì tỏ ra ngượng ngùng e lệ rồi kéo anh ta vào phòng.
Nếu xung quanh không có người có thể bỏ qua bước này, lập tức ngã vào lòng anh ta.
Người càng mảnh mai tạo dáng này càng cuốn hút, chứ cứ như mụ béo này cả người toàn những thịt là thịt thì chẳng thể nhìn nổi.
Tôi hỏi mụ: "Tứ Mao nợ chị bao nhiêu?"
"Bốn tháng tiền thuê phòng, tổng cộng là tám trăm tệ." Mụ đáp.
Tôi lôi trong túi tám trăm vừa kiếm được đưa ụ.
Chị ta đếm tiền rồi bỏ đi với vẻ không được mãn nguyện lắm.
Tứ Mao rất cảm kích, cậu ta nhìn tôi nhưng không nói gì bởi Tứ Mao cũng hiểu rằng có những điều nhiều khi không cần thiết phải nói ra.
Tôi nói: "Giờ công việc chính đang bị đình đốn, đành phải tìm một việc phụ để làm. Cậu có báo không?"
Tứ Mao gom nhặt khắp phòng được rất nhiều báo cũ.
Cậu ta nói: "Báo này mình trộm từ phòng thu phát về đấy."
Tôi lật bừa đống báo, có rất nhiều quảng cáo tìm nhân viên, nhưng báo toàn bị xé mất một nửa, chỗ mất đều là thông tin tuyển dụng.
Tôi hỏi Tứ Mao: "Sao mấy tờ báo này còn mỗi nửa thế?"
Cậu ta ngại ngùng đáp: "Mình dùng đi vệ sinh."
Trong đống báo tôi còn tìm thấy nửa quyển tiểu thuyết có tên Nụ hôn đầu thất lạc trên xe buýt của tôi, giở trang đầu thấy tên tác giả Bukla, quyển sách cũng bị mất đi nhiều trang.
Tôi ngạc nhiên hỏi cậu ta: "Nửa quyển kia cũng bị cậu đi vệ sinh rồi hả?"
Tứ Mao trả lời tôi: "Ừ."
Tôi bực mình đứng phắt dậy nói: "Tứ Mao, cậu đã dùng sách của Bukla để làm giấy vệ sinh ư?"
Tứ Mao đỏ mặt đáp: "Ừ, có lẽ là vậy, mà cũng có thể mình dùng để kê chân bàn."
Tôi thở dài nói với cậu ta: "Cậu không biết là mực in sách chứa hàm lượng chì rất cao à, dùng làm giấy vệ sinh rất dễ bị viêm nhiễm, trĩ, thậm chí còn dẫn đến ung thư đấy! Nếu nó theo đường máu lên não còn gây ra tổn thương về não nữa, sao cậu dám dùng nó đi vệ sinh chứ?"
Tứ Mao nói: "Nghiêm trọng thế cơ à, vậy lần sau chỉ còn cách lấy báo một mặt về dùng thôi?"
Chương 8
Tôi tìm trên báo công việc thích hợp với mình, vừa đọc vừa cười vì mấy ông cùng nghề với tôi cũng đăng quảng cáo, tuy cũng nghề nói phét với nhau nhưng cũng phân thành các trường phái, chúng tôi là phái điền viên, thường công tác ở vùng xa xôi, còn ở thành thị xa hoa họ mạnh hơn chúng tôi về thực lực, thành viên có cả quan chức cao cấp, ông chủ lớn và kỹ sư tài năng...
Trên báo đăng những công ty thương mại tuyển người mẫu bán hàng trực tiếp, gián tiếp, nhân viên nam nữ quán bar, không hỏi tôi cũng biết nói cho hay vậy thôi chứ cũng chẳng tử tế gì. Cũng có không ít nơi lương cao, đòi hỏi thấp nhưng lúc đến phỏng vấn bạn phải đóng đủ thứ phí, nào là phí tin tức, phí tư vấn, phí hòa mạng nhân tài, phí trang phục... Sau đó, họ lặn mất tăm mất tích luôn.
Tôi tìm trong đó vài công việc phù hợp với điều kiện của mình, hỏi đường Tứ Mao rồi bắt đầu xuất phát.
Công ty đầu tiên tôi ngắm là công ty TNHH Phú Thông Trung Quốc, tôi đứng trước cửa công ty, một cánh cổng sắt hoen rỉ rách nát, công ty rất nhỏ nhưng xem ra rất có chí hướng, ít nhất họ cũng lấy hai chữ "Trung Quốc" để đặt tên công ty.
Đây chắc chắn không phải công ty kinh doanh ngành nghề cùng lĩnh vực với tôi, nếu là công ty ma thì lúc nào cũng trang hoàng phòng khách thật sang trọng, đẹp đẽ rồi ngồi đợi cá cắn câu.
Tôi gõ cửa bước vào, một phụ nữ trang điểm loè loẹt ngồi trong phòng, vừa cắn hạt hướng dương vừa đọc sách bói toán. Tôi tiến đến và hỏi: "Chị làm ơn cho hỏi ở đây đang tuyển nhân viên phải không ạ?"
Tôi ngửi thấy mùi nước hoa nồng nặc toả ra, trộn lẫn với một thứ mùi rất kỳ quặc, tôi thấy quen quen, có một lần lãnh đạo tỉnh về thị trấn tham quan thành quả áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, trại nuôi lợn nhà anh Trương Đại Minh được chọn làm điểm khảo sát, anh ta đến cửa hàng tạp hóa thị trấn mua rất nhiều nước hoa về xịt khắp trại, chính là cái mùi đặc biệt này.
Chị ta ngẩng lên nhìn tôi, đưa cho tôi một tờ mẫu đơn đăng ký và nói: "Điền lí lịch bản thân vào."
Tôi nhìn tờ khai, nội dung không nhiều, toàn chữ tôi đọc được, tôi hăm vào và nộp lại.
Chị ta xem lí lịch của tôi rồi đọc: "Trương Tiểu Cường, 20 tuổi".
Đột nhiên chị ta dừng lại, hết sức ngạc nhiên hỏi: "Trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông cơ sở?"
Tôi trả lời: "Vâng ạ."
Chị ta nói: "Chúng tôi cần người đã tốt ngiệp đại học."
Chết ngất mất, họ đâu có nói yêu cầu trình độ đại học. Mà một công việc giao hàng thì đòi hỏi trình độ đại học làm gì cơ chứ?
Khi tôi ra đến cửa chị ta còn nói với theo: "Giờ tốt nghiệp đại học ra thất nghiệp nhiều hơn chó chạy rông ngoài đường, tốt nghiệp cấp II như cậu đừng nghĩ đến chuyện tìm việc làm gì nữa."
Suốt một buổi chiều tôi bị từ chối hết lần này đến lần khác, tôi ngồi ngoài sảnh công ty cuối cùng mà tôi bị họ đuổi ra, ngắm nhìn dòng người qua lại, xem ra sống ở thành phố cũng không đơn giản gì, có một cô bé đi qua ném đồng xu một nhân dân tệ xuống chân tôi, nhìn tôi đầy thương hại, đồng xu lăn ra xa chỗ tôi một chút, cô bé đá đồng xu lại phía tôi, tôi nhìn đồng xu một cách say sưa. Cô bé nhìn tôi đầy nghi hoặc, tôi nhặt đồng tiền lên nhìn cô bé cười, cô bé rất hài lòng và chạy đi.
Có người thích làm điều thiện thì tôi phải cho họ được thoả mãn, đây chính là sự tôn trọng người khác.
Tôi về phòng trọ của Tứ Mao, thấy hơi mệt nhưng không thấy nản.
Mẹ đã nói: "Con người luôn gặp rất nhiều thất bại và trắc trở, phải nhớ dù thế nào cũng không được lùi bước, lừa người ta bị phát hiện cả trăm lần cũng không sao, nhưng chỉ cần lần thứ 101 thành công là được, làm việc gì cũng không được cố chấp, nếu không lừa được một người, đừng cố để lừa tiếp người đó, hãy chuyển sang một đối tượng khác."
Tứ Mao hỏi tôi: "Không tìm được việc gì phù hợp à?"
Tôi cười buồn trả lời: "Ừ!"
Tứ Mao nói: "Mình cũng mất bao công sức mới tìm được việc, nhưng mình nghĩ cậu nên đánh bóng bản thân lên một chút, như vậy có lẽ dễ tìm việc hơn."
"Đánh bóng thế nào?" Tôi hiếu kỳ hỏi.
Tứ Mao đáp: "Đầu tiên phải mua một bộ cánh diện, sau đó làm một tấm bằng đại học."
Tôi hơi ái ngại hỏi cậu ta: "Quần áo mình có thể mua, một tấm bằng có trình độ cao có thể nhờ bạn cậu làm hộ, nhưng có bằng cấp rồi mà trình độ mới hết cấp hai, làm sao có thể giả làm sinh viên tốt nghiệp đại học được?"
Tứ Mao trả lời: "Cái đó thì cậu yên tâm đi, cậu thông minh thế lại hiểu biết nhiều, bây giờ tụi sinh viên đại học ngoài việc đánh bài và rượu chè ra thì chỉ có tán gái thôi chứ học hành gì đâu, trình độ của cậu có thể không bằng bọn học sinh cấp ba, nhưng vẫn có thể bằng bọn có bằng đại học đấy."
Xem tiếp: Chương 09 -> 12