Nếu Không Đẻ Được, Anh Có Bỏ Em Không? Quyển 1 - Chương 2
Chương trước: Quyển 1 - Chương 1: Quyển 1: Anh
Xe dừng lại ở một chung cư trên đường Trần Bình Trọng, anh trả tiền xe xong mở cửa cho tôi xuống. Chân thì bước đi nhưng trong đầu tôi lại đang suy nghĩ đủ thứ. Sao mày lại đi theo tên này vậy Dung? Mày và hắn có quen đâu, nhỡ người ta bán mày thì sao? Mà bán thì đã sao, giờ mẹ không thèm đoái hoài gì tới mình rồi thì mày còn thiết tha, mong chờ gì nữa? Nhưng tốt nhất cứ cẩn thận, phải tìm một con dao, có gì thì còn có cái phòng thân. Tôi đang đấu tranh tư tưởng một cách dữ dội thì lại giật mình vì nghe thấy tiếng anh gọi:
- Nè nè, đi vô thang máy đi, muốn đi bộ hay sao mà lững thững vậy chị hai? Lầu 20 lận đó nha!
Thế là tôi vội vàng bước vào thang máy đang chờ. Thang máy dừng lại ở lầu 8, anh dẫn tôi tới phòng số 8 ở hành hang bên trái thang máy.
- Ủa, sao anh nói tầng 20?
- Ha ha, nói xạo đấy!
Anh vừa cười vừa mở cửa rồi đem túi đồ vào nhà. Tôi nhìn thoáng qua ngôi nhà, căn hộ anh ở khá đơn giản, sơn màu vàng kem, gạch đen trắng, không hề có bếp núc gì. Vào tới nhà rồi, tôi cảm thấy ấm hơn hẳn. Bụng vẫn cứ ngâm ngẩm đau, rất khó chịu.
- Anh cho em mượn điện thoại được không?
- Bạn gọi cho ai? - Tay anh đưa điện thoại ra nhưng miệng vẫn hỏi.
- Kệ em, anh có cho mượn không, không thì khỏi!
Tôi lườm.
- Sao có người hung dữ với ân nhân dữ vậy trời? Bạn vô trước đi, coi có gì chơi được thì chơi, không thì ngồi nghỉ. Tôi ra ngoài mua chút đồ ăn để lát bạn còn ăn mà uống thuốc! Nhà không có bếp, tôi không biết nấu ăn gì.
- Ủa, sao lúc nãy anh không ghé mua luôn?
- Lúc nãy có người đang lạnh, mà trời thì mưa!
Nói xong, anh đóng cửa ra ngoài. Tôi bấm điện thoại cho ngoại, cô giúp việc nghe máy.
- Cô Hà, ngoại con khoẻ không?
- Khoẻ, sao con chưa về đi? Ngoại con nhớ con lắm đó. Dạo này mưa, ngoại hay nhức chân lắm. Ngoại cứ lấy hình con ra coi hoài à, về đi con ơi!
- Cô nói với ngoại con khoẻ, sống tốt và ngoan. Khi nào con hết giận mẹ thì con về, cô ôm hun ngoại dùm con một cái nha cô. Con nhớ ngoại lắm.
Tôi khịt mũi, mắt cay cay.
- Thôi con đi ngủ, mai đi học sớm, bye cô.
Tôi đứng đó, khóc lớn, khóc đã vì chưa lần nào từ ngày bỏ đi tôi được khóc như vậy. Sau khoảng 5 phút hay, khóc đến nghẹt cứng cả mũi rồi, tôi bèn cầm túi đồ đi tìm chỗ thay. Mở tủi đồ ra, tôi khóc dở mếu dở, anh mua toàn quần jeans với áo thun cổ lọ tay dài, định bán tôi đi Bắc Cực à?
Tôi thay đồ xong bèn ra ngoài ghế salon ngồi. Ngồi một chút, tôi nhớ ra bèn chạy đi tìm con dao. Tôi tới chỗ đặt tủ lạnh, dù không có bếp nhưng cũng có vài con dao, chắc để gọt trái cây. Tôi cầm lấy một con dao thái lan cán đen, nhỏ, nhọn đầu để dưới gầm ghế, sau đó lại ngồi thừ ra một lúc lâu.
Cuối cùng anh chàng lạ mặt kia cũng về, tay xách mấy túi lớn, trong đựng nào là nước cam, bánh bao, hủ tiếu, rồi trái cây.
- Thay đồ rồi hả, bạn có tắm không? Có nước nóng, tắm đi, đừng gội đầu, xong ra ăn gì, uống thuốc rồi ngủ. Tôi có mua cam cho bạn uống bổ sung C.
- Dạ, em đi tắm, nhưng mà em tắm ở phòng tắm nào?
- Haha, vậy ban nãy bạn thay đồ ở đâu?
- Ở phòng ngoài này nè. - Tay tôi chỉ chỉ về toilet phía ngoài.
- Thôi bạn vô phòng đi, lát bạn ngủ ở đó luôn.
- Dạ.
Đến lúc đi thay đồ rồi, tôi mới ngẩn ra, không biết nên khóc hay nên cười nữa. Sao tôi và anh cứ có duyên với nhau mấy chuyện xấu hổ thế này không biết. Tôi đến tháng, ngay lúc này, ngay nhà anh nữa chứ. Đứng trong đó hồi lâu mà tôi vẫn không biết phải thế nào, không dám mở cửa vì sợ bị tấn công. Tôi đành đập cửa rầm rầm.
- Chuyện gì vậy, sao vậy? Bạn bị sao trong đó hả?
Giọng nghe rõ hốt hoảng, tội nghiệp anh ghê!
- Anh ơi, em nhờ cái này được không?
- Không sao hả, sao nói chuyện nhỏ vậy?
- Hay anh đi mua dùm em cái khăn mới đi, em không quen lau chung khăn với ai hết.
- Rồi để tôi lấy khăn mới cho bạn, nhà tôi có khăn mới, giặt rồi. Bạn làm tôi hết hồn.
Anh gõ cửa cốc cốc, nói để khăn ở giường và ra ngoài.
- Anh ơi, khoan!
- Sao?
- Anh ơi em bị!
- Bị gì, sao vậy?
- Em bị đèn đỏ rồi, anh ơi em không có whisper. - Tôi nói lí nhí.
- Whisper gì? Bạn nói gì vậy?
- Em đến tháng, em không có băng vệ sinh. – Tôi cắn răng sổ toẹt ra mấy từ xấu hổ này.
- Hả, băng vệ sinh sao? Trời, thôi bạn chờ tôi chạy xuống tạp hoá mua cho bạn. Bó tay!
Tôi thiệt không thể tưởng tượng được, cùng một người lạ, hôm trước chỉ tôi cài lại cúc áo, hôm khác thấy tôi khóc dưới mưa, rồi hôm nay đưa tôi đi viện, đem tôi về nhà, mua áo quần cho tôi, mua đồ ăn cho tôi, rồi phải cả mua băng vệ sinh cho tôi. Không biết đây có phải người mẹ tôi thuê để chăm sóc tôi không nữa. Tôi cảm thấy xấu hổ muốn chết luôn.
Năm phút sau, tôi nghe tiếng gõ cửa:
- Tôi mua whisper, 3 loại: mỏng cánh, không cánh và ban đêm. Tôi không biết vụ này, bạn xài cái nào thì xài nha. Tôi ra ngoài đây, bạn nghe tiếng đóng cửa phòng thì ra lấy nha.
- Dạ, cám ơn!
Tôi vệ sinh xong, thú thật mà nói không còn mặt mũi nào để bước ra khỏi cái phòng này.
- Em xin lỗi, đã làm phiền anh quá rồi. Em không còn mệt nữa, em về đây. Em không thể cứ phiền anh mãi được, em mắc cỡ lắm. Anh mua hết bao nhiêu tiền thì em gởi lại. Nếu hôm nay không đủ thì mai mốt em trả hết cho anh.
Anh nhìn tôi đăm đăm, tỏ vẻ khó chịu.
- Bạn vừa khóc sao? Sao mặt mày sưng lên vậy, mũi đỏ ửng nữa. Bạn nhìn bạn coi, nếu để bạn về giờ này, lỡ bạn có bị làm sao có phải là tôi sẽ rất cắn rứt không? – Rồi anh lấy Chứng Minh Thư từ trong ví ra, đưa cho tôi, nói, - Nè, bạn sợ thì cầm lấy, có gì còn đi thưa, việc gì mà bạn lấy dao để dưới ghế vậy?
- Em không biết nói sao. Em sợ. Em lạnh. Em mệt đủ thứ. Em cũng muốn ngủ một giấc nhưng mà em cũng rất sợ!
- Bạn sợ cái gì? Bạn thấy tôi đi tôi đáng sợ lắm sao? Hay là tôi tự trói mình lại cho bạn ngủ nha? Sao bạn vô lý vậy? Bạn bị cái đó thì con trai ghê lắm, khỏi lo!
Tôi sụ mặt, nhưng nghe cũng có lý. Thôi, cứ nhắm mắt ngủ đại, nhức đầu lắm rồi.
- Khoan, mới có tám rưỡi, bạn ăn cháo cũng hơn ba tiếng rồi, ra ăn hủ tiếu đi, uống thuốc rồi hãy ngủ.
- Dạ.
Vừa ăn tôi vừa nhìn dò xét, sao có người tốt như vậy, người thế này chỉ có trong phim.
- Mẹ em thuê anh tới đây lo cho em phải không?
- Cái gì?
- À, không có gì. - Tôi cúi đầu ăn tiếp. Tôi ăn được một nửa thì dừng, anh cũng không ép.
- Uống chút nước cam đi, uống hết càng tốt.
- Nhưng cổ em đau lắm!
- Uống một chút thôi, rồi uống thuốc.
Tôi miễn cưỡng uống ngụm nước cam, xong uống bốn viên thuốc nhỏ rồi mới lủi thủi đi vào phòng nằm.
- Bạn mở hé cửa nhé, tôi có thể vào nếu nghe bạn khóc trong mơ, bạn vẫn còn sốt đó.
- Em bật đèn sáng ngủ được không, em sợ ma lắm.
- Được, chúc ngủ ngon nhé.
Tôi ngủ một mạch tới 7h20 phút sáng hôm sau. Tôi mò dậy, đi vào toilet nhẹ nhàng nhất có thể. Vệ sinh cá nhân xong, tôi bèn mặc lại bộ quần áo cũ và giặt bồ quần áo mới vừa thay ra, rón rén ra ngoài lan can nhỏ phơi đồ. Tôi cứ đi qua đi lại chỗ sofa như ăn trộm. Anh nằm ườn ra ở ngoài ghế, chăn rơi loạn xạ xuống đất. Ti vi vẫn còn bật, điều khiển không biết ở đâu, trên bàn còn nửa cái bánh bao ăn dở và một vỏ lon bia. Tôi làm xong hết rồi thì ngồi bệt xuống đất, móc tiền ra đếm. Hôm qua đi làm, tôi mang theo trong người bốn trăm lẻ tám ngàn, lát nữa tôi còn phải đi xe ôm về quán, ăn sáng, rồi sửa điện thoại. Nghĩ bụng không đủ tiền để trả hôm nay nên tôi loay hoay tìm cây bút và tờ giấy, ghi lại vài dòng cảm ơn.
“Em không có đủ tiền trả anh rồi, em gửi lại anh cái nhẫn của em, khi nào em đủ tiền em quay lại trả anh nha. Không thiếu đâu, sáu ngày nữa là em có lương rồi, ở phòng trọ em cũng còn ít tiền nữa. Em cảm ơn anh đã giúp em. Em sẽ không quên ơn anh đâu. Em về đây.”
Tôi lấy lon bia rỗng và cái bánh bao thừa đem bỏ vào thùng rác, tháo chiếc nhẫn ra để lại với tờ giấy. Lúc tháo nhẫn ra tôi nghĩ, kiểu gì rồi cũng phải bán vàng lấy tiền mà sống, chỉ là bán sớm hay muộn thôi. Là tôi xui nên mới bị bệnh đúng lúc đói kém này. Tôi lén lén mở cửa, quay lại vẫn thấy chủ nhà ngủ say quên trời đất. Tôi vội vàng rời đi.
Tôi đi xe ôm về quán, trên đường về gặm tạm một ổ bánh mì và một ly sữa đậu nành, biết thế nào cũng bị chửi nên cứ phải no bụng trước đã. Nhưng sự thật còn phũ phàng hơn tôi tưởng.
- Chị nói em thế nào? Quán chị có quy tắc, không phải cái chùa, em muốn thì đến làm không muốn thì đi. Không có em chị vẫn tuyển được hàng chục cô bé khác.
Tôi cụp mắt nhìn xuống, không cãi được lời nào.
- Chỉ một cuộc gọi mà em cũng không làm được, em không thể nào tiến bộ trong tương lai nếu em không tôn trọng cấp trên của mình, không tôn trọng luật lệ nơi làm việc.
- Chị ơi, em bị bệnh. Điện thoại của em hỏng mất rồi, em cũng không nhớ số của chị. Em ở một mình nên không biết nhờ vả ai cả.
- Đây, bảy trăm hai mươi ngàn cho 24 ngày lương của em, chúc em mau tìm được việc làm hợp với em và mua được cái điện thoại tốt hơn.
Tôi lầm lũi về nhà trọ, tính kiểm tra xem còn bao nhiêu tài sản nữa để tính toán mình còn có thể trụ lại ở ngoài bao lâu. Trên đường về, tôi ghé qua bưu điện để gọi về nhà, chuông vừa reo được hai hồi thì bên kia có người nhấc máy :
- Alo!
Giọng của mẹ có vẻ như đang rất khó chịu làm tôi lạnh hết cả sống lung. Tôi không nói lời nào mà cúp máy luôn.
- Ủa, cháu về rồi à, bác tưởng ngay mai chứ?
- Dạ mưa quá nên con về sớm.
- Ừ, lạ thật đấy, bác cứ thắc mắc sao trời mưa như thế mà bọn cháu lại đi Vũng Tàu, nhưng cháu bị ốm hay sao mà nhìn xanh xao vậy?
- Dạ, không, con say xe thôi.
- À, tiền của cháu đây, tháng này cắt chỉ ít nên chỉ bấy nhiêu thôi.
- Dạ con cám ơn bác.
Bác chủ nhà đưa tôi một trăm năm mươi ngàn tiền phụ cắt chỉ tháng này. Khi rảnh rỗi tôi thường hay cắt phụ bác, đến cuối tháng bác ấy chia cho tôi tiền công, cắt ít thì được ít cắt nhiều thì được nhiều. Tháng trước tôi làm được hai trăm hai mươi ngàn. Tôi móc tiền ra, đưa thêm bác năm trăm ngàn cho sáu trăm năm mươi ngàn tiền nhà.
- Bác ơi, tháng này con gửi tiền phòng sớm!
- Ơ, còn những 11 ngày mà cháu.
- Dạ, con có tiền sớm nên gửi sớm.
Tôi cười xã giao hì hì rồi phi vào phòng. Suy nghĩ, đã mất việc, thôi thì trả tiền trọ trước cho chắc ăn. Tôi lấy hết tiền ra đếm lại một lần. Tiền lương làm ở quán café còn dư hai trăm hai mươi ngàn, tiền sáng nay còn lại ba trăm tám mươi ngàn, tổng cộng đúng sáu trăm ngàn. Ở phòng tôi còn giữ một triệu tám trăm ngàn nữa. Nhưng nhìn lại xà bông, sữa tắm đã sắp hết, ngay cả cái bình nước lọc cũng hết… nghĩ kiểu gì cũng phải nhanh chóng tìm việc mới không thì sẽ chết đói. Đúng là hoạ vô đơn chí!
Nói là làm, tôi thay đồ, mặc quần jeans và áo sơ mi cho lịch sự, buộc tóc cao lên. Đi hết quán café này đến quán café khác, có quán yêu cầu phải ngồi nói chuyện với khách, tôi không chịu; quán khác thì phải làm từ sáng đến tối, tôi cũng không chịu; quán nữa làm ít lương cao nhưng lại phải ăn mặc hở hang. Nghĩ tới chuyện ăn mặc hở hang ngồi lả lơi thì tôi chạy luôn, mẹ tôi mà thấy chắc bà cạo đầu tôi luôn. Cứ thế mất hết cả buổi, tôi ăn bữa trưa qua loa, ghé tiệm thuốc mua thuốc để điều trị dứt cơn cảm sốt. Chiều tôi lại đi tiếp.
Tôi vào chợ xin phụ bán vải, bán áo quần, đa số chủ cửa hàng chỉ hỏi quê ở đâu, tôi nói ở thì không hiểu sao người ta không nhận. Chỗ chịu nhận người ở Sài Gòn thì lại chê nhìn gầy gò, yếu đuối, chỗ thì nói nhìn tiểu thư quá… Tôi mệt vô cùng, hôm nay không mưa nhưng thời tiết lại oi bức khó chịu. Dù đau đầu nhưng tôi vẫn có chạy hỏi thêm vài chỗ nữa, rốt cuộc cũng chẳng xin được việc gì.
Ngày trôi qua lê thê, đến sáu giờ chiều lại bắt đầu mưa. Tôi lại chạy về, bác chủ nhà nấu bánh đa cua, tôi ăn vào người cũng ấm lên hẳn. Nghĩ bụng mưa rồi tìm được việc gì nữa, tốt nhất uống thuốc xong thì lên giường đi ngủ cho rồi. Ngày mai cứ đi tìm việc xung quanh chỗ trọ thôi, đi xa quá có khi gặp người quen. Nằm xuống rồi, tôi chợt nhớ tới anh – người xa lạ tốt bụng kia. Nếu còn nhiều tiền chắc tôi đã đem trả để lấy lại nhẫn rồi, nhưng giờ tôi còn ít quá.
Hôm sau tôi dậy sớm, tắm táp sạch sẽ, gọn gang rồi lại tiếp tục công cuộc kiếm việc mới. Lúc chạy ngang một tiệm Internet – game, tôi ghé vào hỏi thì chủ quán nói là cần người rành về sử dụng và biết cài máy tính – tôi chịu; quán bánh xèo tuyển nam không tuyển nữ; có tiệm bách hoá cần tiếp thị sữa nhưng lương quá thấp;… hết thêm một ngày nữa mà tôi không tìm được việc gì nhưng rút ra được một kết luận, không có kinh nghiệm thì phải có ngoại hình, không kinh nghiệm, không ngoại hình thì phải có trình độ, lúc ấy may ra tìm được việc tốt. Đằng này tôi chẳng có gì cả.
Tôi lại thất thểu về nhà, lúc về ngang qua bưu điện, tôi ghé vào gọi cho ngoại :
- Alo, ai đó?
- Dạ con đây cô Hà, ngoại con khoẻ không cô? À cô khoẻ không cô?
- Ngoại con giận mẹ con qua nhà dì hai ở ba ngày nay rồi.
- Ủa, sao vậy cô?
- Mẹ con mượn tiền ngoại cho ông Cường làm ăn, ngoại không cho. Mẹ con mặt lớn mặt nhỏ nên ngoại giận!
- Thôi có gì cô qua nhà dì hai nói với ngoại là con vẫn khoẻ, dặn ngoại đừng lo gì cả nhé!
- Sao con không gọi qua nhà dì hai?
- Dạ thôi, con cúp máy đây, con chào cô!
Tôi dập điện thoại mà lòng thì tức không chịu nổi. Hóa ra hôm trước nghe giọng mẹ bực dọc là do ngoại không cho tiền đây mà. Mẹ tôi nghĩ gì mà lại đi xin tiền ngoại cho ông ta chứ? Tôi thấy thương ngoại vô cùng, nghĩ thương thôi chứ tôi cũng không dám về nhà dì hai. Dì hai tôi cũng dữ lắm, lại nghe chửi nữa thì mệt.
Ngẩng đầu, trời lại sắp mưa!
Chạy xe về tới đầu ngõ nhà trọ, thì thấy tôi thấy một người nhìn rất quen! Tôi cho xe chạy lại gần hơn, vỗ lưng:
- Trời ơi, anh đi đâu đây?
- Tôi tìm người quen.
- À, trùng hợp ghê, em ở trọ gần ngay đây luôn nè!
- Ừ!
- Anh tìm được người quen chưa?
- Rồi, gặp rồi, tôi chờ từ hơn hai giờ tới giờ!
- À chuyện cái nhẫn, khi nào có tiền em lấy lại nghe, giờ em chưa có tiền! – Tôi ấp úng với vẻ ngại ngùng.
- Ừ!
- Thôi anh chờ đi nha. Bạn anh sắp ra chưa? Em vào nhà đây!
- Ừ!
Anh có người quen ở đây, đúng là trùng hợp. May mà anh không đòi tiền, không thì không biết lấy tiền đâu mà trả nữa. Tôi thắng xe lại, dắt bộ vào nhà.
- Dung nè, con gặp bạn con chưa?
- Dạ, sao?
- Bạn con, cậu đi cái xe màu trắng xanh đó, chờ con từ lâu rồi.
Tôi lùi đuôi xe lại, nghiêng đầu nhìn ra người đứng bên ngoài, hơi buồn cười vì anh lại đang khoanh tay nhìn đi chỗ khác, ý như không thèm để ý tới tôi. Thôi kệ, tôi phải vào nhà để tắm cái đã. Đi suốt một ngày, người tôi hôi rình rồi. Không thèm giải thích gì cho cái người ngoài kia luôn, thích chờ thì cho đứng đó mà chờ, ai bảo mắc cái tội nói xạo, hỏi cái gì cũng “Ừ, Ừ”, thấy mà ghét! Tôi tắm một lát thì xong, cũng thấy ngạc nhiên là đang bực bội trong người vì cú điện thoại gọi về nhà, nhưng thấy người kia thì bực bội bay đi đâu hết cả.
Tôi đi ra gặp anh.
- Này, người quen mà anh nói là em đó hả?
- Này bạn, bạn vô tư vừa thôi chứ, chừa cho người khác còn vô tư với!
- Là sao ạ?
- Đi uống café đi!
- Anh mời “người quen” đi uống café mà mời như vậy sao? Em bán café nhưng em cũng đáng được mời đàng hoàng chứ?
- Bạn đi không?
- Không!
- Ừ thôi, tôi về!
Kỳ cục. Mà không biết tại sao anh ta biết tôi ở đây mà tới tìm nhỉ, tôi có để lại thông tin gì đâu? Tới đây rồi thì mặt cứ hầm hầm, bất lịch sự quá, về thì về đi, tự dưng bực cá ở đâu tới đây chém thớt. Đến lúc nhìn thấy người ta có xách theo túi đồ hôm trước mua cho mình, tôi đành xuống nước, dù sao cũng phải ra dáng biết ơn một chút.
- Khoan đã, đi café thì đi, nhưng mà anh cứ như thế là em về đó nha.
Anh không nói không rằng, quay xe chạy đi luôn. Tôi dắt được cái xe đạp điện ra, vội vã đuổi theo muốn hụt hơi. Chúng tôi ghé vào quán café gần nơi tôi ở.
- Bạn uống gì?
- Em uống nước cam hay sữa tươi cũng được.
- Cho mình một ly sữa tươi, một ly café đen và hai điếu jet!
Nhân viên phục vụ ghi đồ uống rồi đi vào.
- Phòng máy lạnh, anh đừng hút thuốc, hôi lắm!
- …
- Anh tìm em đòi tiền, em nói chưa có tiền nên anh bực hả?
Anh cau mày nhìn tôi không chớp mắt.
- Sao hành tung gì mà bí ẩn vậy? Sao bạn đi là đi vậy hả? Nghỉ luôn việc cũng không nói trước.
- Em bị đuổi việc mà!
- Điện thoại thì sao?
- Chưa sửa, tiệm nói là hư nặng rồi, có bán thì người ta mua lại chứ không sửa được! Mà em có điện thoại thì đã sao? Có biết số đâu mà gọi? Với lại gọi làm gì, em biết nhà anh ở, khi có tiền thì em tới trả thôi.
- Nếu tôi không có ở đó?
- Thì em chờ!
- Chờ như tôi chờ bạn hôm nay vậy phải không?
- Ủa mà sao anh biết ở đây mà qua? Sao anh biết tên em?
- Đừng đánh trống lảng, trả lời đi!
- Ừ, thì em đứng đó chờ, em thiếu tiền anh, em tìm anh trả tiền, anh không có nhà thì em chờ, vậy chứ làm gì được?
- Bạn biết tên tôi không?
- …
- Bạn nói chuyện như nhìn mọi chuyện qua mắt bạn thôi. Bạn không coi ai ra gì quen rồi à? Trước giờ không có ai bất lịch sự với tôi như vậy cả!
- Là sao?
- Sao tự nhiên có thể bỏ đi như thế? Bạn có thể đánh thức tôi dậy mà chào mà, có thể đi uống một ly café buổi sáng mà. Sao bạn phải trốn như trộm vậy? Bạn còn bỏ chạy rõ nhanh, bạn sợ tôi đuổi bắt bạn lại à?
- Sao anh biết em chạy? À, mấy người gần nhà anh nói chứ gì? Chắc họ tưởng em ăn trộm nhà anh!
Nước tới nơi, một ly sữa tươi, một ly café đen và hai điếu thuốc.
- Thôi, cho mình gửi lại hai điếu thuốc.
Bạn phục vụ vâng dạ rồi cho hai điếu thuốc trong cái đĩa nhỏ lên mâm, bưng vào.
- Hi hi.
- Sao lại cười?
- Không có gì hết.
- Bạn thích uống sữa à, uống nhiều đi, hết thì kêu thêm một ly. Gầy như cây sậy, uống sữa nhiều cũng tốt.
Vừa ngậm ống hút vừa hút tôi vừa gật gù:
- Ừa, em thích uống sữa, sữa ngon. Mà mẹ em còn nói đi với người lạ thì nên uống sữa, sữa giải độc, khi người ta bỏ thuốc mê thì uống sữa sẽ không bị mê!
Anh sặc cười, tay che miệng lại.
- Sao lại cười, em nói thiệt mà!
- Ừ thì thiệt, không có gì.
- Anh cười vậy coi được không? Nhìn mặt anh nãy giờ như là cai ngục, đã xấu còn đáng ghét!
- Giờ hết rồi hả?
- Ừ.
Anh cười thêm lần nữa, cười lớn hơn, cười sảng khoái hơn!
Thấy vậy tôi cũng cười hưởng ứng theo.
- Bạn có nghĩ là bạn nên hỏi tên tôi không? Để khi bạn kể cho ai đó nghe về tráng sĩ của mình, không lẻ bạn cứ kể là “anh kia, anh nọ"?
- Anh tên gì?
Anh tiếp tục cười, cười ha hả luôn.
- Thôi bây giờ thay phiên nhau giới thiệu đi, không lẽ kể về bạn cũng chỉ biết nói là “con bé kia, con bé nọ" hay sao?
- Nhưng anh biết tên em rồi! Mà sao anh biết tên em, sao biết em ở đó?
- Hôm trước tôi đi café không thấy bạn, hôm qua cũng không thấy. Tôi hỏi một bạn phục vụ trong quán thì bạn đó nói bạn nghỉ làm rồi. Tôi hỏi tên thì bạn đó nói bạn là Dung ròm!
- Ờ, anh Bảo trong quán gọi em là ròm. À còn nhà trọ, sao anh biết?
- Hôm trước khi bạn đến nhà tôi, có gọi điện về nhà gặp cô chủ nhà, tôi lục số đó và hỏi tổng đài ngược lại số nhà trọ, vì hôm trước tôi không nhớ số nhà.
- À, à đúng là thời đại thông tin, cái gì cũng tổng đài tổng đài là biết hết.
Tôi gật gù có vẻ như cũng thán phục.
- Mà anh tìm em làm gì?
- Bạn thiếu tiền tôi, phải biết chỗ bạn ở chứ?
- Ủa mà anh tên gì?
- Thái!
- Mà em thiếu anh tiền, em thế chấp tài sản rồi còn gì?
- Nói chung tôi kỹ tính lắm, không thể để con nít qua mặt đâu.
- Con nít cái búa, tháng 1 này em 18 tuổi rồi đó!
- Ngày nào?
Ôi, tự nhiên buồn, hôm nay qua tháng 12 rồi, còn chừng một tháng nữa là tới sinh nhật tôi. Mẹ sinh tôi vào cận tết, năm nào cũng được lì xì nhiều, năm nào mẹ với ngoại cũng sắm thiệt nhiều đồ đẹp… Còn năm nay, nếu không ai tìm thì chắc tôi phải ăn tết một mình ngoài xã hội, không tiền, sinh nhật không quà. Nghĩ tới đó thôi thì tôi thấy mắt cay cay, hốc mắt nóng hổi, lấy tay dụi dụi, cúi mặt không đáp. Tôi đang suy nghĩ xem có nên về nhà không hay cứ thế này ăn Tết một mình, thế thì buồn lắm, lại không có bánh tét, không có dưa món, không được đi chợ An Đông mua bánh mứt,… Mà nếu tôi cứ thế tìm về thì mẹ sẽ coi thường tôi.
- Sao vậy?
- Không có sao, thôi về đi, em không ngồi nữa.
- Sao lại khóc?
- Em đã nói không sao mà.
- Sinh nhật ngày nào?
- Anh hỏi làm gì?
- Hỏi cho biết!
- Bộ anh là công an hay sao mà điều tra dữ vậy? Đi về đi.
- Sao lại về? Ngồi chút nữa đi, ngồi máy lạnh mát và dễ chịu hơn ở ngoài mà!
- Em mệt, em đi cả ngày ngoài đường nên mệt!
- Đi đâu cả ngày?
- Tìm việc làm để còn trả tiền cho anh chứ, còn phải mua điện thoại khác!
- Chưa tìm được việc à?
Tôi ngước nhìn vào mặt anh, lắc lắc đầu.
- Yêu cầu công việc như thế nào?
- Không yêu cầu gì hết, có việc thì làm thôi.
- Vậy sao mà tìm cả ngày không được, thấy nhu cầu tuyển dụng đầy đường mà?
- Thấy không hợp nên em không làm.
- Sao nói không có yêu cầu, làm gì cũng được!
- Mệt anh quá! Đi về đi. Em trả tiền nước cho!
- Dẹp, ngồi thêm lát đi. Mà bạn không hỏi gì về tôi à? Không có muốn biết gì à?
- Không!
- Thật à?
- Em không thích hỏi nhiều về người khác, nhất là người lạ.
- À, thì ra là như vậy, người như bạn hiếm gặp thật. Con gái gặp tôi là hỏi nhiều lắm.
- Kệ họ.
Tự nhiên thấy vẻ mặt anh lại trùng xuống, ánh mắt có vẻ buồn hơn, không tươi như khi nãy nữa.
- Bạn đã hết bệnh hẳn chưa?
- Rồi anh.
- Hôm nọ đã mệt lại còn dọn dẹp làm gì, tôi tự làm được.
- Em dẹp gì đâu?
- Thì đồ, giặt chi cho cực? Rồi còn đồ tôi bày, tự tôi dọn được.
- Anh tìm em chỉ để hỏi mấy cái đó thôi à?
- Không, tôi đem đồ qua cho bạn.
- Em có đồ rồi, không lấy đâu.
- Tôi mua cho bạn, bạn không lấy thì làm sao mà tính tiền cho bạn trả được, với lại tôi không mặc được đồ con gái đâu.
- Tại sao lại tốt với em như vậy?
- À, cuối cùng cũng hỏi câu này. Ra là cũng biết thắc mắc chứ bộ.
- Tại sao?
- Vì con người mà, gặp hoạn nạn phải giúp chứ? Nếu người khác tôi cũng làm vậy thôi, gặp ai thì giúp người đó, gặp bạn nên giúp bạn. Hôm đó mà không đưa bạn đi viện, có khi giờ bạn toi lâu rồi.
- Ừ, vậy có khi tốt hơn!
- Sao lại nói gở?
- Em thấy vậy tốt cho em hơn!
Tôi lại thấy hụt hẫng, có khi tôi chết luôn có phải tốt hơn không? Thấy anh cứ hỏi liên thiên mãi, tôi bực mình nói tiếp.
- Thôi anh đưa đồ em, em lấy, tính nợ luôn một lần. Chờ em xin được việc, lãnh lương rồi em sẽ trả tiền anh. Giờ em cũng còn ít tiền nhưng em phải dùng đến khi tìm được việc cái đã. Không thì anh bán nhẫn của em đỡ đi, xem được bao nhiêu, rồi còn thiếu bao nhiêu thì em trả sau. Hoặc không thì anh lấy thêm một chiếc nữa đi, em đưa luôn cho nè.
Tay anh chống cằm nhìn tôi đăm đăm, có vẻ đang cố đọc ý nghĩ của tôi.
Tôi nói và tháo luôn chiếc nhẫn còn lại, để lên bàn.
- Được, tôi lấy luôn cái này, khi nào có tiền bạn phải đem tới trả đủ cho tôi.
- Bao nhiêu?
- Ba triệu.
- Sao dữ vậy, bữa anh nói tiền bệnh viện hai trăm ngàn, mua có hai, ba cái quần áo mà anh lấy em ba triệu bạc, tiền đâu mà em trả? Nhưng anh nhớ hỏi coi hai cái nhẫn em xem được bao nhiêu nhé?
- Tôi tên gì?
- … (Tôi quên mất rồi.)
- Vừa nói xong mà bạn còn không nhớ mà, hôm nọ tôi nói tiền bệnh viện là hai triệu! Lặt vặt thêm một triệu là ba triệu.
Ôi trời, thôi xong, gặp ngay tên lừa đảo rồi! Bữa giờ tôi còn tưởng anh ta là người tốt. Đúng là anh ta không lợi dụng gì tôi nhưng giờ anh ta đòi ba triệu thì tôi phải chịu thôi. Anh ta cũng biết nơi tôi ở trọ rồi. Nghĩ vậy tôi quay sang nhanh nhảu, tỏ vẻ bình tỉnh sáng suốt:
- Thôi anh trả nhẫn lại đây. Tôi đem đi bán, nếu không đủ thì bán cả dây chuyền, bông tai, trả đủ ba triệu cho anh, xong đừng tìm tôi nữa nha.
- Ha ha. Nè cô Dung ròm, cô sỗ sàng quá đó nha. Vừa nãy còn em, giờ đã chuyển sang tôi thật là nhanh!
- Không vui rồi, không chơi, không café cà pháo gì nữa. Đi, đi bán vàng!
- Sinh nhật bạn ngày nào?
- Anh đừng hỏi tào lao nữa, biết ngày sinh để bỏ bùa tôi luôn à? Tính tiền nhanh đi rồi qua chợ Phú Lâm bán vàng!
- Không
- Sao lại không? Anh ơi tính tiền!
Phục vụ chạy vô quầy ghi ghi thì anh ta kêu lại:
- Chưa đâu em, bồ anh giận hờn vậy thôi. Lát khi nào tính anh kêu.
Tên phục vụ lại dạ vâng, ánh mắt đầy tò mò nhìn tôi, đúng là tôi đang điên thật!
- Tết không về quê sao?
- Dẹp, không nói chuyện nữa! – Tôi quát, cầm chiếc nhẫn lên, đùng đùng quay đi, trong lòng ấm ức tột độ, bực mình không tả được. Giờ tôi mới biết mình nhãi ranh cỡ nào, bỏ nhà đi, ra đời bị chửi, bị ăn hiếp giờ còn gặp phải phường lừa đảo nữa.
Thề là tôi chưa bao giờ ghét mưa đến thế này. Đi làm dính mưa, bị đuổi việc cũng gặp mưa, bệnh vì mưa, giờ đang điên cũng mưa. Tôi đứng sững lại ngay cửa quán cũng vì mưa, tên kia chậm chạp bước tới.
- Mưa rồi, vào đi, mới hết bịnh đừng có ương bướng như vậy!
Đáng lẽ tôi cũng không định chạy ra, nhưng nghe cái giọng của anh ta đáng ghét không chịu được nên tôi cắm đầu phi ra ngoài luôn. Tôi chạy đến nhà xe, lấy xe chạy ù về nhà mà không nói với anh ta tiếng nào. Bây giờ có chết tôi cũng không cần anh ta giúp.
Xem tiếp: Quyển 1 - Chương 3