Gặp em dưới mưa xuân Chương 04 - 05
Chương trước: Chương 03
Chương 4
Anh Cả không phải là người duy nhất dấm dúi nhét tiền vào tay Tiểu Đa. Anh Ba, anh Tư, anh Năm, anh Sáu, ai gặp Tiểu Đa cũng lén cho tiền và dặn rằng đừng nói cho ai biết.
Hôm nay Phạm Tiểu Đa được Giám đốc đài gọi đi ăn cơm, trong bàn ăn chỉ có cô là người duy nhất của ban Tin tức, những người còn lại đều là người của ban Quảng cáo. Tiểu Đa không quen bọn họ, vì thế cô cứ cúi đầu xuống ăn, khi nghe mọi người nói chuyện tiếu lâm cũng chỉ biết mỉm cười theo. Giám đốc đài nói với cô: “Phạm Tiểu Đa này, cô tới làm hậu kỳ cho ban Quảng cáo nhé!”.
Tiểu Đa nghe xong không biết trả lời thế nào, đành mỉm cười tiếp.
Giám đốc đài lại nói: “Người muốn tới ban Quảng cáo rất nhiều, chúng tôi đang cần một cô gái làm hậu kỳ, tôi thấy cô rất thích hợp”.
Trưởng ban Quảng cáo Tiêu cũng nhân đó nói theo: “Trưởng ban Trương của các cô cũng được, nhưng ban Quảng cáo của chúng tôi nhã nhặn hơn”.
Giám đốc Lưu thấy Phạm Tiểu Đa có vẻ lúng túng, bèn nói: “Quyết rồi, ngày mai cô sẽ tới làm việc ở ban Quảng cáo, tôi sẽ nói với anh Cả của cô”.
Thực ra, Phạm Tiểu Đa không muốn đi khỏi ban Tin tức, ban Tin tức thuộc trung tâm báo chí, mà cô thì rất thích làm báo. Giám đốc đã nói như vậy cũng đành phải chấp nhận.
Sau khi Phạm Triết Thiên biết chuyện, suy nghĩ một chút, rồi nói: “Giám đốc làm như vậy là muốn tốt cho em, vì thu nhập ở ban Quảng cáo cao hơn. Hơn nữa quan hệ giữa mọi người với nhau ở đó cũng đơn giản hơn ban Tin tức rất nhiều”.
Phạm Triết Cầm biết chuyện xong thì có vẻ lo lắng: “Nghe nói những người làm ở ban Quảng cáo đều rất tồi, suốt ngày chỉ ăn ăn uống uống, không khéo làm hỏng Tiểu Đa mất”.
Phạm Triết Lạc nghe Tiểu Đa kể lại toàn bộ xong, nói bằng cái đầu phân tích của một luật sư: “Xem ra, Trưởng ban Tin tức của em rất cao tay, ban Quảng cáo sợ một người sắc sảo lợi hại về đó, vì thế mới dùng một cô gái rất đơn thuần mới ra trường như em”.
Tiểu Đa mới chợt hiểu ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình. Cô suy nghĩ một lúc, thấy làm việc ở ban Tin tức dưới quyền của Phó trưởng ban Mã thâm hiểm, chi bằng đến làm việc ở ban Quảng cáo cho xong.
Thế là, sau ba tháng đến làm việc ở đài truyền hình, Phạm Tiểu Đa đã tới ban Quảng cáo làm hậu kỳ.
Ban Quảng cáo tất nhiên là không yên tĩnh như ban Tin tức, lúc nào trong phòng làm việc cũng rộn rã tiếng cười nói, tiếng pha trò. Vì mỗi người đều có nhiệm vụ quảng cáo của mình, việc của Phạm Tiểu Đa không liên quan đến nghiệp vụ chính, cô không có xung đột gì với mọi người, ngược lại mọi người còn phải cầu cạnh đến cô khi sắp xếp chương trình hoặc khi sửa quảng cáo. Vì cô mới ra trường, tuổi đời ít nhất, thái độ rất nhã nhặn, nên các đồng sự ở đây đều rất quan tâm, chăm sóc cô.
Và như vậy, môi trường làm việc tốt hơn trước rất nhiều. Bản tính linh hoạt của Phạm Tiểu Đa cũng dần dần được bộc lộ. Bộ phận hậu kỳ chỉ có bốn người, ba cô gái trình bày, một nam giới phụ trách quay chụp.
Các cô gái ghét nhất là việc kết thúc việc trình bày quảng cáo trong ngày và chuẩn bị hết giờ làm việc lại có người chạy tới vội vàng yêu cầu phát quảng cáo, điều đó có nghĩa là phải ghi lại. Nếu lúc đó chương trình quảng cáo nhiều, mục quảng cáo ấy ở đoạn giữa, thì thời gian ghi sẽ kéo dài. Vì thế, thông thường từ sau bốn giờ chiều, các cô gái ở hậu kỳ đều từ chối việc sửa lại.
Chiều hôm ấy, Phạm Tiểu Đa và A Tuệ, A Phương đang ngồi nói chuyện ở phòng Biên tập chờ hết giờ làm thì anh Nghiêm ban Quảng cáo đưa một chàng trai trẻ đến, anh Nghiêm hỏi Tiểu Đa với vẻ thân thiết: “Hôm nay phát một mục quảng cáo thì thế nào?”.
A Tuệ ngồi bên chen vào: “Anh Nghiêm, để ngày mai được không?”.
Anh Nghiêm quay lại phía chàng trai tỏ ý có đôi chút phiền phức, ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Nếu có thể phát được thì phát hôm nay, nếu không được thì ngay mai. Hôm nay hãy ghi quảng cáo lại đã”. Nói xong để chàng trai ở lại rồi ra về trước.
Anh Nghiêm vừa đi khỏi, ba cô gái không ai nói câu nào, không bảo đưa băng quảng cáo và cũng không nói là không nhận băng, tóm lại là chẳng để ý gì đến chàng trai. Chưa đầy năm phút sau, chàng trai trẻ ấy cũng rời khỏi đó. Thế là mọi người đều bật cười, dù sao quảng cáo của ngày mai thì ngày mai làm cũng như vậy thôi. Sắp đến giờ về rồi, chẳng ai muốn làm việc.
A Phương nói: “Thực ra, anh chàng kia được đấy chứ, trông cũng có vẻ đẹp trai”.
Tiểu Đa đùa: “Thế nào, thấy được mắt rồi hả? Bảo anh Nghiêm giới thiệu cho đi”.
A Phương cười, bước tới cù Tiểu Đa. Hai người đang đùa thì A Tuệ hắng giọng. A Phương và Tiểu Đa quay đầu, nhìn thấy chàng trai kia quay lại, trên tay xách một túi lớn quà vặt: “Ăn chút đồ đi”.
Tiểu Đa vênh mặt lên: “Trong giờ làm việc chúng tôi không được phép ăn uống”.
Ba cô gái ra vẻ đang làm việc rất nghiêm túc, trong bụng đều nghĩ: Hôm nay không làm nữa, xem anh sẽ thế nào.
Chàng trai kia có vẻ cũng không vừa, không tỏ vẻ giận dữ, tìm một chiếc ghế, ngồi xuống, rồi mở túi đồ và lấy ra ăn, vừa ăn vừa nói: “Tôi đói quá rồi, các cô không ăn thì tôi ăn vậy”.
Tiểu Đa nói với vẻ nghiêm túc: “Trong phòng máy không được phép ăn uống”.
Chàng trai nghe nói vậy, thôi không ăn nữa: “Thế này nhé, tôi sẽ để đồ ở đây, để hết giờ làm việc các cô ăn. Ngày mai tôi lại đến”, nói xong liền đi ra ngoài.
Các cô gái chờ cho anh ta đi khỏi bèn cười và nhảy lên rồi xúm đến bên túi đồ, lấy ra ăn. Tiểu Đa vừa ăn vừa bình luận: “Anh chàng này đúng là không đơn giản, hình thức cũng được, tính nết cũng có vẻ kiên trì, lại còn biết mua đồ ăn để lấy lòng con gái. Kiểu đàn ông như thế đáng gờm đấy, chiêu trò cũng không ít đâu”.
A Tuệ và A Phương đều gật đầu tán đồng.
Hết giờ làm, Phạm Tiểu Đa vừa bước ra khỏi cổng thì nhìn thấy xe của anh Ba. Cô hớn hở chạy tới: “Anh Ba, sao hôm nay lại nghĩ đến chuyện đến đón em thế?”.
Phạm Triết Địa véo mũi em với vẻ yêu quý: “Đã lâu rồi anh Ba không ăn cơm với em. Đi nào, hôm nay anh sẽ đưa em đi ăn món thật ngon”.
Phạm Tiểu Đa vui vẻ lên xe, cười nói: “Em muốn ăn hải sản”.
Phạm Triết Địa cười hà hà, lái xe đến một nhà hàng hải sản. Tiểu Đa khoác tay anh trai bước vào trong, nhưng Phạm Triết Địa lại đưa cô vào một phòng riêng. Tiểu Đa chột dạ, không lẽ lại là xem mặt nữa? Sau khi vào bên trong không thấy có ai cô mới yên tâm, nói: “Anh Ba, ngồi ở phòng chung là được rồi, sao lại phải ngồi ở phòng này?”.
Phạm Triết Địa cười, đáp: “Anh Ba đã lâu không ăn cơm với em nên muốn tìm một chỗ tiện nói chuyện”. Nói rồi nháy mắt, “Anh Ba vừa có một vụ làm ăn thành công, tiền trong túi cứ muốn nhảy ra”.
Tiểu Đa cười khúc khích, cảm thấy điệu bộ nháy mắt của anh trai rất đáng yêu.
Phạm Triết Địa mở một công ty trang trí, nhưng không làm cho gia đình mà chỉ làm cho các cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn. Phạm Triết Địa từng nói với Tiểu Đa rằng, trang trí cho phòng kinh doanh khoảng một trăm mét của một ngân hàng ít thì cũng mấy trăm nghìn, nhiều thì cũng hàng triệu đồng, nhẹ nhàng và đơn giản, còn trang trí cho gia đình thì nhiều chi tiết rắc rối. Anh Ba là người có nhiều tiền nhất trong số bảy anh chị em nhà họ Phạm.
Phạm Triết Địa thương em gái, không nói ra miệng nhưng lần nào gặp cũng nhét tiền cho cô.
Trong bốn năm Phạm Tiểu Đa học đại học, Phạm Triết Cầm quyết định, mỗi tháng cho cô bốn trăm đồng sinh hoạt phí. Mấy anh trai cảm thấy như thế hơi ít, nhưng Triết Cầm nói: “Không được để cho Tiểu Đa hình thành thói quen tiêu tiền hoang phí, còn là học sinh mà có nhiều tiền, không phải là chuyện tốt, điều đó không tốt cho Tiểu Đa”.
Tiểu Đa học đại học ngay tại thành phố, tiền ăn tiền mặc không phải bỏ ra, vì thế bốn trăm đồng dùng làm tiền tiêu vặt cũng tạm đủ, so với trong trường cũng được xếp ở mức trung bình, so với người khá hơn thì còn kém, nhưng so với người khó khăn hơn thì thuộc loại sung túc. Chẳng thể tỏ ra này nọ nhưng cũng không phải cúi đầu trước mặt bạn bè, cả nhà cảm thấy rất phục trước sự sắp đặt của Phạm Triết Cầm.
Nhưng, sự thực thì hoàn toàn không như vậy. Mỗi lần Phạm Triết Thiên lén gặp Tiểu Đa, sau khi dúi vào tay cô hai trăm đồng lại nói: “Cầm lấy mua mấy bộ quần áo đẹp mà em thích, quần áo mà chị Hai em mua cho, chị dâu em cũng có thể mặc được. Nhớ đừng cho chị Hai biết”.
Tiểu Đa cầm tiền, trong lòng rất vui, dù sao anh Cả vẫn là người anh tốt. Cô thích cùng bạn học đi dạo phố, mua những bộ quần áo mà mình thích nhưng lại không muốn nói với chị. Lớn như thế này rồi mà tất tần tật những thứ mặc trên người đều do chị Hai mua cho. Vì thế, mãi cho tới trước lúc vào ở trong ký túc xá, Tiểu Đa vẫn không biết rằng, con gái lớn thì phải mặc áo ngực.
Sau khi vào đại học ở trong ký túc xá, lần đầu tiên Tiểu Đa ngủ đêm ở chỗ khác, lần đầu tiên ở chung với nhiều cô gái như vậy. Giữa bạn bè, sau khi quen thuộc, nói chuyện cũng trở nên thoải mái hơn hẳn.
Ngô Tiêu là người mà Tiểu Đa thân nhất trong phòng. Ngô Tiêu lớn hơn Tiểu Đa một tuổi, mười tám tuổi nên đã hết tuổi dậy thì. Cô ấy ngạc nhiên khi thấy Tiểu Đa không mặc áo ngực nên thắc mắc hỏi.
Tiểu Đa đỏ mặt, đáp: “Chị Hai tớ nói, chỉ có những người đã sinh em bé, sợ ngực chảy xệ mới mặc thứ đó”.
Phạm Tiểu Đa dậy thì rất muộn, vào đại học rồi mà trông cô vẫn như học sinh trung học cơ sở, vừa gầy vừa nhỏ, chỉ cao chừng một mét năm mươi tám, cân nặng khoảng gần bốn mươi cân, ngực phẳng lỳ, mùa hè không mặc áo ngực cũng chẳng ai nhận ra.
Nghe cô nói như vậy, Ngô Tiêu cười một hồi lâu, rồi kéo Tiểu Đa ra cửa hàng đồ lót. Lần đầu tiên Tiểu Đa mua quần áo, mà lại là quần áo lót.
Ngô Tiêu nói: “Bây giờ cậu không mặc, sau này mới mặc thì đã muộn rồi”. Sau đó nói với Tiểu Đa một lô một lốc về những điều cần chú ý của con gái.
Tiểu Đa mặc xong, bỗng cảm thấy đúng là mình đã trở thành một cô gái, cảm giác rất đặc biệt. Kể từ lúc đó, cô đã có những bí mật nho nhỏ của con gái.
Tiểu Đa không nói cho chị Hai biết, Phạm Triết Cầm cũng không để ý đến việc Tiểu Đa đã bắt đầu mặc áo ngực. Sau này khi phát hiện ra, hỏi Tiểu Đa thì cô chỉ cười cho qua chuyện. Phạm Triết Cầm vẫn mua quần áo cho Tiểu Đa như thói quen, và cũng bắt đầu mua áo ngực cho cô, nhưng Tiểu Đa không thích những thứ đó lắm, vì thế anh Cả cho cô tiền để cô tự đi mua, và cô rất vui.
Tuy nhiên, anh Cả không phải là người duy nhất dấm dúi nhét tiền vào tay Tiểu Đa. Anh Ba, anh Tư, anh Năm, anh Sáu, ai gặp Tiểu Đa cũng lén cho tiền và dặn rằng đừng nói cho ai biết.
Tiểu Đa lại có bí mật của riêng mình. Cô không tiêu tiền linh tinh, sau bốn năm tích cóp cũng có được một khoản kha khá.
Lúc đó Tiểu Đa mới tới làm việc ở đài truyền hình, lương mỗi tháng hơn hai nghìn đồng, vừa mới tới ban Quảng cáo không biết còn được thêm tiền gì nữa. Chỗ ở cách nơi làm việc tương đối xa, hằng ngày cô đi về bằng xe buýt.
Tháng nào Phạm Triết Địa cũng cho Tiểu Đa tiền để cô đi taxi đi làm. Nếu cô đi taxi thì mỗi tháng ít nhất cũng hết sáu, bảy trăm. Tiểu Đa không chịu xin tiền anh Ba, nhờ sự giáo dục của chị Hai mà cô cảm thấy tiêu tiền vào việc đi taxi như vậy rất lãng phí. Lần nào Phạm Triết Địa cũng nói: “Anh Ba vừa mới kiếm được một món, tiền cho em đi taxi một tháng thì vừa bằng tiền mời người ta ăn một bữa cơm”, nên cứ ép cô phải nhận.
Tiểu Đa thấy hôm nay anh Ba ình ăn hải sản, thầm cười, lát nữa lại có một khoản thu nhập bất ngờ đây.
Phạm Tiểu Đa ăn rất ngon lành, việc thích ăn là một chuyện, ngoài ra cô còn thích là vì lần nào cũng được đem toàn bộ vỏ sò về, rửa sạch để khi rỗi rãi ghép thành tranh. Vừa ăn, cô vừa đếm số vỏ sò trên bàn, đột nhiên có người bước vào. Cô ngẩng đầu lên, lại chính là anh chàng mà hôm nay cô và mấy người bạn không chịu làm quảng cáo ngay cho.
Chương 5
Phạm Tiểu Đa thấy trong lòng không vui, lên tiếng nói: “Không có ai nói với anh rằng phụ nữ xinh đẹp là mầm tai họa à? Đàn ông mà như anh thì đúng là tai họa! Anh đi đường ban đêm phải cẩn thận đấy, không phải vì bị cướp của đâu, mà sợ sẽ bị cướp vì sắc đẹp đấy!”.
Người kia tỏ vẻ quen biết, không chờ Phạm Triết Địa giới thiệu đã lên tiếng: “Triết Địa, bọn tôi biết nhau rồi.”
Phạm Triết Địa rất ngạc nhiên: “Sao cậu lại quen với em gái tôi?”.
Phạm Triết Địa nghĩ thầm trong bụng, nếu Phạm Tiểu Đa quen với một người đàn ông lạ thì nhất định sẽ thông báo với cả nhà. Huống chi, đó là người mà anh đang có ý định sắp xếp giới thiệu làm bạn trai của Tiểu Đa.
Sau khi nghe chuyện Phạm Triết Thiên long trọng mời tới cả ba bàn người ăn cho buổi xem mặt của Phạm Tiểu Đa, Phạm Triết Địa suýt chút nữa cười bắn cả cơm ra. Triết Địa đã nói với anh Cả: “Anh Cả họp nhiều quá rồi đấy, làm gì cũng như đang đi làm việc vậy”.
Thấy vẻ mặt của Phạm Triết Thiên không vui, Phạm Triết Địa bèn vỗ ngực nói, lần thứ hai sẽ để anh ra tay.
Phạm Triết Địa phân tích, Phạm Tiểu Đa có tâm lý bài xích việc đi xem mặt, bởi vì thời buổi bây giờ khác rồi. Tiểu Đa cũng đâu phải là cô gái lớn tuổi, mà vừa mới bước vào tuổi thanh xuân, nếu nói sắp xếp cho cô gặp mặt thì nhất định cô sẽ không phối hợp, vì thế Phạm Triết Địa đã giữ kín, hôm nay đưa cô đi ăn là để thực hiện kế hoạch đó.
Tiểu Đa nhìn người mới đến với vẻ tò mò, nghe người đó cười, nói với anh Ba của mình: “Hôm nay mình tới làm quảng cáo ở đài, nên đã biết cô ấy. Em gái của cậu khá giữ nguyên tắc.”
Phạm Triết Địa vội nói với Tiểu Đa: “Tiểu Đa, đây là Lý Hoan, bạn làm ăn của anh”.
Tiểu Đa mỉm cười, trong bụng chợt nhớ đến Lý Tầm Hoan trong tiểu thuyết của Cổ Long.
Lý Hoan dường như đọc được ý nghĩ đó của cô, cũng cười và nói: “Tôi tên là Lý Hoan, nhưng không phải đi tìm thú vui. Này, hai chúng ta cũng có duyên đấy, nếu ghép tên lại với nhau thì vừa hay có câu là Hoan Lạc Đa Đa[1]”. Nói rồi, cậu ngồi xuống rất tự nhiên.
[1] Vui vẻ nhiều nhiều.
Phạm Tiểu Đa ngây người, mặt đỏ bừng.
Ngô Tiêu đã từng nói: “Tiểu Đa, tuyệt chiêu bảo vệ lớn nhất của cậu là cậu rất dễ đỏ mặt. Những người không biết thì tưởng rằng cậu xấu hổ, nhưng đâu có biết rằng, hễ cậu hơi có phản ứng tinh thần là lập tức đỏ mặt. Đây là chiêu còn cao hơn cả đỏ mặt vì xấu hổ!”.
Đúng vậy, lúc này Phạm Tiểu Đa đỏ mặt không phải vì xấu hổ mà vì tức giận. Anh chàng tên Lý Hoan này đúng là mặt dày, vừa mới nói vài câu đã lập tức kéo sang chuyện duyên phận.
Lý Hoan ngồi bên cạnh Phạm Triết Địa, đối diện với Tiểu Đa. Cậu nói đủ chuyện trên trời dưới biển với Phạm Triết Địa, rồi kéo cả Tiểu Đa vào.
Phạm Triết Địa cũng không nói với Lý Hoan là định giới thiệu em gái cho cậu. Trong lòng Triết Địa, tất cả phải vì sự vui thích của Tiểu Đa, nếu cô thấy không được thì bữa cơm này chỉ là bữa cơm bình thường. Như thế, không đắc tội với Tiểu Đa cũng không đắc tội với bạn.
Anh chọn Lý Hoan là có lý do. Lý Hoan là người có tài, tuổi cũng mới hai mươi tám, hơn Tiểu Đa bảy tuổi, hơn nhiều tuổi như vậy mới có thể chăm sóc và nhường nhịn cô. Hơn nữa, công ty của Lý Hoan làm ăn rất tốt, có thể coi như thành công trong sự nghiệp. Qua mấy lần làm ăn với Lý Hoan, anh thấy đối phương rất giữ chữ tín, khi đi chơi hộp đêm cũng vô cùng nghiêm chỉnh. Về nhân phẩm như vậy là tuyệt đối không có vấn đề gì.
Điều duy nhất khiến Phạm Triết Địa không vừa ý, đó là Lý Hoan quá dẻo miệng, nhưng rồi anh lại nghĩ, đó cũng chỉ là một kiểu thể hiện của tính hài hước mà thôi.
Thấy Lý Hoan vừa ăn vừa kiếm chuyện hướng về Phạm Tiểu Đa, trong lòng Phạm Triết Địa biết, như vậy là Lý Hoan cũng đã có ấn tượng về Tiểu Đa. Quay sang nhìn em gái, thấy cô vừa mỉm cười vừa ăn như bình thường, chỉ có điều có vẻ ít lời hơn, điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì ăn cơm với anh trai và ăn cơm với người ngoài dù sao cũng khác nhau. Phạm Triết Địa kết luận: Tiểu Đa không ghét Lý Hoan.
Anh đâu có biết, lúc đó Tiểu Đa thấy ghét cái thói bẻm mép của Lý Hoan đến cùng cực.
Lý Hoan nói đủ thứ chuyện, rồi đột nhiên nói: “Triết Địa, tôi cảm thấy anh và em gái không giống nhau”.
Phạm Triết Địa mỉm cười, đáp: “Đúng thế, tôi và Tiểu Đa hơn kém nhau mười bốn tuổi, tôi giống bố, có khuôn mặt của người phương Bắc, Tiểu Đa là người duy nhất trong mấy anh chị em giống mẹ, nhỏ nhắn, thanh mảnh”.
Lý Hoan đùa: “Chẳng trách mà đặt tên là Tiểu Đa, khi cô ra đời đã có quy định sinh đẻ có kế hoạch rồi nhỉ?”.
Phạm Triết Địa cười: “Đúng thế, Tiểu Đa sinh ngoài kế hoạch, dù phải chịu phạt và bị phê bình, bố mẹ tôi cũng nhất quyết sinh Tiểu Đa bằng được”.
Phạm Tiểu Đa nhìn đám vỏ sò trên bàn, nghĩ với vẻ tiếc nuối, xem ra hôm nay không đem về được rồi, khoản thu nhập bất ngờ có lẽ cũng không có. Cô ngẩng đầu lên như chợt nhớ ra điều gì: “Anh Ba, A Tuệ cùng làm với em để quên điện thoại ở phòng làm việc, cô ấy nhờ em đưa tới giúp, suýt nữa thì em quên mất. Em về trước đây”. Nói xong, cô đứng dậy, nhìn đám vỏ sò trên bàn với vẻ tiếc rẻ, rồi không để cho Triết Địa kịp ngăn lại, đứng ngay dậy ra về.
Triết Địa đành mỉm cười, ngồi xuống, lắc đầu với Lý Hoan: “Cô em của tôi như vậy đấy”.
Lý Hoan nói, không chút giấu giếm: “Tiểu Đa rất đáng yêu, giới thiệu cho tôi, được không?”.
Phạm Triết Địa ngây người: “Cậu đùa à?”.
Lý Hoan thôi giọng nói đùa, nói với vẻ rất nghiêm chỉnh: “Tôi nói nghiêm túc đấy”.
Triết Địa rất vui, vội nắm lấy bàn tay Lý Hoan nói về Tiểu Đa, anh ra sức tán dương cô em gái. Trong lòng Phạm Triết Địa vô cùng đắc ý, mình vừa mới xuất chiêu đã thành công, rồi thầm nghĩ cách về nhà nói với em gái như thế nào.
Phạm Tiểu Đa bước trên đường phố. Cô chưa yêu, nhưng đã nhìn thấy bạn bè yêu, chưa ăn thịt lợn nhưng cũng thấy lợn chạy rồi. Sự giảo hoạt của Lý Hoan là điều mà cô không thích nhất, cô không thích những người đàn ông nói năng tùy tiện. Tiểu Đa nghĩ, hôm nay có lẽ lại là một lần xem mặt nữa, nhìn vẻ mặt của anh Ba thì biết.
Từ nhỏ lớn lên trong sự yêu thương của sáu anh chị, Tiểu Đa đã quen với việc nhìn vẻ mặt, đoán thái độ, cô biết làm thế nào thì mới khiến sáu anh chị đối xử tốt với mình. Bình thường cô ít lên tiếng, lúc nào cũng tỏ ra ngoan ngoãn, từ nhỏ cô đã không có nhiều bạn bè, niềm vui lớn nhất là trêu chọc anh chị, nếu chẳng may chọc phải một người thì lại tìm đến người khác nhờ giải vây. Trong mắt của sáu người, ai cũng cảm thấy Tiểu Đa là cô bé ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, nếu họ mà cùng trao đổi với nhau, sẽ phát hiện ra sự thật không hoàn toàn như vậy.
Ví dụ như chuyện xin chữ ký của phụ huynh vào đơn xin phép nghỉ học, Tiểu Đa lần lượt xin chữ ký của mọi người, trong cặp sách của cô có cả nắm giấy phép như vậy. Cô lén đi chơi với bạn học rất nhiều lần, và cô cực kỳ chú ý, đến giờ về là lập tức về, vì vậy mà cả nhà không ai phát hiện ra.
Tiểu Đa thường rất lấy làm đắc ý cho rằng mình là người thông minh. Những chuyện lớn, cô không bao giờ dính vào, còn chuyện đánh cãi nhau nho nhỏ thì thỉnh thoảng cũng xảy ra, và khi không thể trốn được, cô ngước đôi mắt đầy nước mắt lên nhìn người anh Cả nghiêm khắc, thế là lại chẳng có chuyện gì xảy ra nữa. Lần nào Phạm Triết Thiên cũng không cho đó là chuyện do Tiểu Đa gây ra, mà do bạn bè của cô lôi kéo, Tiểu Đa chắc chắn là vô tội.
Lớn như vậy rồi nhưng chưa một lần Tiểu Đa bị đánh. Có lần cô và một người bạn trốn học ra ngoại ô hái trộm quýt, bị bắt tại trận và báo đến trường.
Phạm Triết Thiên vội vàng chạy đến trường để nhận người. Nhìn thấy trong số học sinh đứng ở một góc tường có Tiểu Đa nhà mình thì không dám tin. Sau khi đưa cô về nhà, Phạm Triết Thiên nghĩ, lần này nhất định phải dạy Tiểu Đa thật cẩn thận, mới bé tí đã ăn trộm quýt, lớn lên sẽ như thế nào? Nghĩ đến đây, anh bèn cầm chiếc chổi lông gà lên, nghiêm giọng nói: “Chìa tay ra!”.
Tiểu Đa nước mắt lưng tròng nhào vào lòng anh trai, luôn miệng nhận tội, cam đoan lần sau không dám làm như thế nữa.
Phạm Triết Thiên vốn định cho Tiểu Đa một bài học, đánh ột trận để nhớ đời. Không ngờ, chưa kịp đánh thì cô đã nhận tội, viết cam đoan, nhận thức rất sâu sắc, mục đích chưa gì đã đạt được, chiếc chổi lông gà không thể quất xuống.
Phạm Triết Lạc thì cho rằng, Tiểu Đa là người nhát gan, dễ sợ. Đâu biết rằng cô nhiều lần chứng kiến cảnh bọn họ không chịu nhận tội, bị anh Cả không chấp nhận được phải phạt đến nơi đến chốn, và cô đã rút ra kết luận: Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt, nhất định không để cho da thịt phải chịu khổ.
Nghĩ đến việc vì sao anh Cả, anh Ba lại sắp xếp việc xem mặt, trong lòng Tiểu Đa rất phiền não. Thế rồi bất giác cô chẳng chút nữ tính giơ bàn chân lên đá vào một chiếc vỏ lon Coca, không ngờ vỏ lon rơi trúng vào một chiếc xe, khiến cho còi chống trộm phát ra tiếng kêu âm ĩ. Tiểu Đa đưa mắt nhìn xung quanh, không thấy chủ nhân của chiếc xe đâu, đột nhiên, từ phía sau lưng vang lên giọng nói hơi quen: “Xin lỗi mau!”.
Tiểu Đa biết là chủ nhân của chiếc xe đã xuất hiện, đoán có lẽ anh ta đang ăn cơm ở quán bên đường, nghe tiếng động đã chạy ra. Hiểu rõ tình thế, cô quay lại nói xin lỗi. Nhưng chủ nhân của chiếc xe không chịu bỏ qua: “Đúng là đồ con gái thiếu giáo dục!”.
Phạm Tiểu Đa nổi đóa, lỗi thì cũng đã xin rồi, cũng rất thành thực, còn muốn gì nữa?
Chủ nhân chiếc xe là một người còn trẻ, mày rậm, mắt sáng, phong thái đĩnh đạc, tóm lại đó là một anh chàng đẹp trai. Tiểu Đa nghĩ thầm, đẹp trai thì hống hách thế sao? Tôi vẫn đang rất không vui đây này, vì thế lên tiếng: “Không có ai nói với anh rằng phụ nữ xinh đẹp là mầm tai họa à? Đàn ông mà như anh thì đúng là tai họa! Anh đi đường ban đêm phải cẩn thận đấy, không phải vì bị cướp của đâu, mà sợ sẽ bị cướp vì sắc đẹp đấy!”, nói xong, giơ chân đá vào chiếc xe thêm cái nữa, hừ một tiếng rồi bỏ đi.
Người kia ra tay nhanh như gió, kéo Tiểu Đa lại, cô nổi đóa: “Làm cái gì thế? Hãy buông cái chân lợn của anh ra!”.
Người kia cười một cách gian tà: “Cô cứ kêu cứu đi!”.
Tiểu Đa ngây người, thì ra đây chính là người đàn ông lạ mặt xuất hiện trong vườn cây lần trước. Lần trước vì nước mắt ướt nhòe nên cô không nhìn rõ mặt.
Người kia lại cười: “Nhớ ra chưa? Tưởng tôi là yêu râu xanh à?”.
Cánh tay cô bị anh giữ rất chặt, trong lòng Tiểu Đa cực kỳ căm tức, nhưng cô lại rất thức thời: “Lần trước cũng xin lỗi, vì tâm trạng tôi không được vui”.
Nghe giọng cô mềm lại, người kia bèn buông tay ra: “Làm sao mà lần nào tôi gặp cô, cô cũng trong tâm trạng không vui thế? Con gái mà dữ như vậy, cẩn thận không lấy được chồng đâu”.
Vốn dĩ trong lòng đã không vui vì chuyện xem mặt trá hình của anh Ba. Câu nói này lại động đúng vào chỗ đau trong lòng, Tiểu Đa rất muốn nổi cơn thịnh nộ nhưng lại cảm thấy để người khác nhìn thấy cảnh tượng ấy trên đường phố thật sự không hay, nên hạ giọng nói: “Lần sau gặp tôi, tốt nhất là anh tránh đi”. Nói rồi trừng mắt lườm người kia một cái, môi nhếch lên, vung chiếc túi bỏ đi.
Xem tiếp: Chương 06 - 07